Động đất, sóng thần và núi lửa phun trào – những điều bạn nên biết khi đến Nhật.

Đăng ngày 05/10/2015 bởi Mr.M

Bạn đã từng nghe về “vành đai lửa Thái Bình Dương – Ring of fire”.? Trong địa lý, nó là một thuật ngữ rất nổi tiếng đấy… Vành đai lửa Thái Bình Dương là một khu vực thường xuyên xảy ra các hoạt động địa chất mạnh như động đất hay núi lửa phun trào bao quanh vùng lòng chảo Thái Bình Dương. Nó gắn liền một dãy liên tục các rãnh đại dương, các vòng cung quần đảo, dãy núi lửa và sự chuyển động của các mảng kiến tạo. Có thể khái quát bằng một vòng cung 40.000km kéo dài từ New Zealand chạy lên Bắc bán cầu, đi xuống tận Nam Mỹ và kết thúc ở ngoài khơi biển Peru. Không trọn vẹn, nhưng vành đai lửa Thái Bình Dương uống một vòng cung gần như ôm trọn Nhật Bản.

Vành đai lửa Thái Bình Dương

Vành đai lửa Thái Bình Dương – Ring of fire

Còn nữa, theo lý thuyết đĩa lục địa, Nhật Bản nằm trên chỗ tiếp xúc của 4 đĩa lục địa Á-Âu, Bắc Mỹ, Thái Bình Dương và biển Philippines. Phần lớn lãnh thổ Nhật Bản hình thành do các hoạt động địa chất cách đây chỉ 2,4 triệu năm – rất trẻ.

Nhật Bản nằm trên ranh giới các đĩa lục địa

Nhật Bản nằm trên ranh giới các đĩa lục địa

Chừng đó lý do là đủ biến đất nước mặt trời mọc trở thành thiên đường của núi lửa và động đất…

Bên dưới mặt đất là các địa tầng, các mảng kiến tạo, hơn thế nữa Nhật Bản lại là giao điểm của 4 cấu trúc địa tầng; đĩa Á-Âu và Bắc Mỹ nằm đè lên trên đĩa Thái Bình Dương và biển Philippines khiến cho các cấu trúc không ổn định. Khi các mảng kiến tạo, các địa tầng vận động xích lại gần nhau, hay tách ra xa nhau đều khiến mặt đất vận động. Hậu quả của những sự vận động này có thể khái quát như sau:

Theo thống kê của bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản, mỗi năm đất nước này hứng chịu tổng cộng 126.000 trận động đất từ nhỏ tới lớn. Trung bình 4 phút lại xảy ra một trận động đất, phần lớn trong số chúng không đủ lớn để con người có thể cảm nhận mà chỉ được máy móc đo đạc.

Khu vực thường xuyên xảy ra các hoạt động địa chất ngoài khơi biển Nhật Bản

Khu vực thường xuyên xảy ra các hoạt động địa chất ngoài khơi biển Nhật Bản

Hiện nay có khoảng 186 núi lửa còn hoạt động ở Nhật Bản, biểu tượng Phú Sĩ yên bình và thơ mộng là vậy nhưng nó vẫn còn hoạt động và được đánh giá nguy cơ phun trào ở mức thấp, lần phun trào gần đây nhất là vào năm 1707. Bên cạnh núi lửa, các suối nước nóng cũng có mặt và trải dài trên khắp đất nước.

Nguyên nhân và thống kê khái quát đã có, tiếp theo cùng tìm hiểu sâu hơn một chút nhé:

1. Động đất: (do nội lực) là sự rung chuyển mặt đất do sự giải phóng năng lượng ở lớp vỏ Trái Đất. Khi bạn đứng trên lãnh thổ Nhật Bản, có nghĩa là bạn đang đứng trên điểm tiếp xúc giữa các mảng kiến tạo trên vỏ Trái Đất, bên dưới chân bạn là những hoạt động của vật chất nóng, nó không đứng yên mà vận động, làm những mảng địa chất đong đưa, trồi lên trụt xuống. Có thể tưởng tượng bạn đang chế biến món sinh tố bằng máy xay vậy. Mặt đất sẽ rung chuyển mạnh nếu sự vận động bên dưới quá lớn, sự rung chuyển này sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng, gây ra các tai nạn cực kỳ khủng khiếp.

Được đo lường bằng một đơn vị đó là “độ richter”, từ 0 cho tới tối đa. Đây là một thang mở và không có giới hạn, tuy nhiên bạn có thể tưởng tượng động đất khoảng 9,5 độ richter là vô cùng kinh khủng và ngày nay chỉ có thể thấy ở các siêu phẩm Hollywood cũng như duy nhất 1 lần tại Chile ngày 22 tháng 5 năm 1960.

Một trận động đất năm 2011 ở Nhật Bản

Đường xá sau một trận động đất năm 2011 ở Nhật Bản

Trong vòng 1 thế kỷ qua, Nhật Bản đón trên 24 trận động đất có cường độ mạnh. Năm 1923 ở Tokyo, trận động đất 7,9 độ richter làm hơn 140.000 người thiệt mạng. Hay trận động đất năm 1995 ở tỉnh Hyogo làm 6.427 người chết, hơn 40.000 người bị thương và gần 400.000 ngôi nhà bị sập, bị cháy hoặc hư hại. Ngày nay, công nghệ xây dựng đã phát triển vượt bậc cho phép nước Nhật có một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại bậc nhất thế giới. Các tòa cao ốc có khả năng chịu động đất lớn đã không còn hiếm. Tuy nhiên, không phải là tất cả các tòa nhà đều được trang bị công nghệ này. Khi động đất lớn xảy ra và được cảnh báo, bạn nên làm những việc sau:

– Chui xuống gầm bàn ẩn nấp nếu ở trong nhà, hoặc di chuyển tới các bãi đất trống khi ở ngoài.

– Co người khi ẩn nấp và che đầu khi di chuyển, chỉ đi thang bộ không dùng thang máy.

– Tắt bếp ga, rút cầu chì, để cửa mở.

– Không đứng cạnh tường rào và những dạng vật chất dễ đỗ như cây cối, tượng đài…

– Nếu đang lái xe, lập tức táp vào lề đường, tắt máy nhưng không rút chìa khóa, không khóa cửa xe (để có thể dùng xe như xe cấp cứu nếu cần) và tìm chỗ trú ẩn an toàn.

– Bình tĩnh đối phó với mọi tình huống xảy ra.

2. Sóng thần: là đứa con của động đất. Những dịch chuyển địa chất lớn ở đại dương sẽ gây ra động đất và có thể kèm theo sóng thần. Sự rung chuyển của cả một khối nước lớn trong lòng đại dương tạo ra những đợt sóng. Không giống các đợt sóng đại dương bình thường chỉ kéo dài nhiều nhất là 150m và tồn tại không quá 1 phút, sóng thần có thể dài tới hàng trăm km và tồn tại hàng giờ cho tới khi nó chạm tới bờ để giải phóng năng lượng hoặc có lực cản đủ lớn.

Các con sóng đi trong lòng đại dương với tốc độ vô cùng nhanh, có khi lên tới 500 dặm/h vì những dao động trực tiếp trong lòng nước. Khi tới gần bờ, đáy biển trở nên nông hơn, sóng đi chậm lại, áp lực từ khối nước phía sau đẩy khối nước phía trước lên cao hơn, càng gần bờ, đáy biển càng nông, sóng càng cao, có khi lên tới hàng chục mét.

Bạn có thể tưởng tượng sóng thần hoạt động như thế nào bằng cách cầm một sợi dây cao su dài và vẩy nó, các lượn sóng khi tiến tới đầu dây, tốc độ sẽ không còn nhanh nữa, nhưng biên độ dao động lại lớn, ở đầu sợi dây sẽ vẩy lên càng cao nếu lực tác động ban đầu của bạn càng lớn.

Trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004

Trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, các con sóng như chuẩn bị nuốt chửng tòa nhà hàng chục tầng.

Khi sóng thần còn ở ngoài khơi, chúng ta thấy nó không khác gì một dao động sóng thông thường, nhưng trong lòng biển khơi là cả một sự dao động vô cùng lớn. Khi gần tới bờ, nước biển gần bờ sẽ có sự co lại vì lượng nước rút về để trồi lên ở đầu sóng phía ngoài khơi. Những người ở gần biển có thể cảm nhận nước biển rút đi đột ngột và nhanh chóng di chuyển tới nơi an toàn. Những con sóng cao hàng chục mét sẽ tới trong vài phút và quét đi tất cả những gì nó đi qua.

Khi nhận được cảnh báo sóng thần, những con tàu đang ở trên biển và gần bờ nên ra khơi càng xa càng tốt để tránh những dòng chảy nguy hiểm ven bờ. Những người trên đất liền nên chạy tới những điểm cao và vào sâu trong đất liền càng sâu càng tốt. Khi ở trong các nhà cao tầng chỉ được trú ẩn ở tầng 4 trở lên và mở trống các ô cửa để hạn chế tác động của sóng.

3. Núi lửa phun trào: các khoáng chất nóng chảy với áp suất và nhiệt độ cao trong lòng đất phun ra ngoài, đây dạng thiên tai được đánh giá là dễ đối phó hơn tương đối so với động đất và sóng thần vì công nghệ hiện tại có thể đo đạc và dự đoán các mối nguy hiểm để di dời người dân đến nơi an toàn. Núi lửa phun trào gây ra các hoạt động địa chất mạnh, và sinh ra động đất, khi các núi lửa phun trào trên đất liền, mối nguy cơ sóng thần thường nhỏ, còn nếu núi lửa phun trào dưới biển sâu, hãy sẵn sàng đối phó với động đất và sóng thần ngay lập tức.

Núi lửa Sakurajama phun trào năm 2013

Núi lửa Sakurajama – Nhật Bản lần phun trào năm 2013.

Theo thống kê sơ bộ, có tới 600 triệu dân số thế giới nằm trong tầm ảnh hưởng của núi lửa, bằng nhiều công nghệ khác nhau, các nhà khoa học theo dõi hoạt động của vật chất nóng chảy trong lòng đất và có thể đưa ra các dự báo cho người dân sơ tán, tránh thảm họa xảy ra. Sẽ không may mắn nếu ngọn núi lửa nào đó không mấy hiền lành và luôn chầu chực phun trào, người dân ở khu vực đó sẽ thường xuyên được di tản và tập huấn sơ tán.

Và dù là dạng thiên tai nào, động đất, núi lửa hay sóng thần thì bạn hãy chấp nhận và xem nó là một đặc trưng khi tới đất nước Nhật Bản nhé. Bạn sẽ thấy con người Nhật Bản tuyệt vời như thế nào khi phải đối phó với thiên tai, họ sống chung với nó và xem nó như một mối hiểm nguy không chính thức. Họ vượt qua nó bằng sự kỷ luật và tính cộng đồng, tính tự giác phi thường. Một điều quan trọng nữa là với tốc độ đọc trung bình của một người thường xuyên dùng internet, thời gian của bạn cho bài viết này đã đủ xảy ra 1-2 trận động đất rồi đấy. Hãy cảm nhận cuộc sống thú vị ở Nhật qua một góc nhìn khác sau những guồng quay của học tập và công việc nhé.

Mr.Moon

(tổng hợp)

Trả lời