Giá bán buôn ở Nhật Bản tăng kỷ lục 10% trong tháng Tư

Đăng ngày 17/05/2022 bởi iSenpai

Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố đầu tuần này cho thấy giá bán buôn tại Nhật Bản đã tăng trung bình 10% trong tháng 4 so với năm ngoái, đánh dấu mức tăng mạnh nhất từng được ghi nhận. Giá hàng hoá tăng cao trong bối cảnh chi phí cho năng lượng và nguyên liệu thô tăng phi mã do Covid và xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cũng như việc đồng yên suy yếu.

Cụ thể, giá xăng dầu và các sản phẩm từ than tăng 30,9% do lo ngại về nguồn cung sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Nguyên liệu thô cũng tăng mạnh, ví dụ như sắt thép tắng 29,9%, gỗ tăng 56,4%, kim loại màu tăng 25,0%. Giá lúa mì cũng tăng mạnh khi Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lúa mì lớn hàng đầu thế giới.

Light up Tokyo Tower during sunset surrounded by other buildings in Tokyo, Japan
Exposure: HDR +2,0,-2) 1/45 sec at f/11 ISO 100 lens: EF17-40mm f/4L USM at 40mm

Đây là tháng thứ 14 liên tiếp giá hàng hoá giao dịch giữa các công ty (B2B) tăng và củng cố thêm áp lực lạm phát ở Nhật. Dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong các tháng tiếp theo. Chi phí nguyên liệu sản xuất và kho vận gia tăng khiến cho các công ty buộc phải đẩy giá bán hàng để duy trì lợi nhuận kinh doanh. Người tiêu dùng ở Nhật đang dần cảm thấy áp lực từ chi phí sản xuất khiến giá hàng hoá leo thang.

Đồng yên yếu khiến giá hàng hoá trở nên cao hơn với các công ty nhập khẩu. Một số chuyên gia kinh tế bắt đầu cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực của việc đồng yên yếu đang dường như lớn hơn mặt tích cực. Đồng yên giảm giá mạnh, phản ánh sự phân kỳ chính sách như vậy, cũng làm tăng chi phí nhập khẩu gây bất lợi cho Nhật Bản nghèo tài nguyên. Dữ liệu của BOJ cho thấy giá nhập khẩu tăng 44,6% so với một năm trước đó, so với mức tăng 17,3% của giá xuất khẩu, tính theo đồng yên. BOJ hiện vẫn chưa cho thấy dấu hiệu việc thắt chặt tiền tệ và nhiều khả năng đồng yên sẽ tiếp tục trong đà giảm trong thời gian tới. 

Các tập đoàn lớn cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng khi Toyota ước tính khoản tác động tiêu cực lên tới 11 tỷ USD do chi phí nguyên vật liệu cao hơn trong một báo cáo trước đó. Cho đến nay, lạm phát tiêu dùng đang tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với giá bán buôn ở Nhật Bản. Áp lực có thể gia tăng lên những nhà quản lý tài chính ở BOJ nếu các chính trị gia bắt đầu quan tâm đến vấn đề lạm phát trong thời gian sắp tới cuộc bầu cử Hạ viện mùa hè này.

Theo Kyodo News, JapanTimes

 

 

Trả lời