Hơn 60% người Nhật được khảo sát không thấy việc đi uống với đồng nghiệp là cần thiết

Đăng ngày 29/11/2021 bởi iSenpai

“Nominication” – từ ghép chơi chữ của nomu (uống trong tiếng Nhật) và communication – là một văn hoá công sở phổ biến ở Nhật khi nhiều người coi việc gặp gỡ đồng nghiệp trên bàn nhậu là một cách quan trọng để làm sâu sắc các mối quan hệ trong công việc. Tuy nhiên khảo sát trong năm nay của Nippon Life Insurance đã cho thấy ngày càng có nhiều người Nhật cảm thấy văn hoá đi uống này là không cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch Covid đã giảm đi tần suất của những buổi nomikai.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 10 với 7774 người tham gia. 36,9% trả lời thẳng là việc đi uống sau giờ làm là “không cần thiết” còn 25% trả lời là “tương đối không cần thiết”. Đây là lần đầu tiên kể từ khi khảo sát này được thực hiện năm 2017 thì có nhiều hơn quá bán người tham gia cho rằng việc đi uống với đồng nghiệp là không quá quan trọng. Chỉ 11,1% người được khảo sát cho biết họ xem việc uống rượu với đồng nghiệp là “cần thiết”, trong khi 27,1% cho biết việc đi uống là “tương đối cần thiết.”

Lý do cho việc nominication bị thất sủng là được đưa ra bao gồm việc không muốn phải chú ý hay bị chú ý trong các buổi nhậu, ngoài ra cũng có nhiều người cảm thấy đi uống có thể coi như việc làm thêm giờ, một số không nhỏ khác cho biết họ không thích đồ uống có cồn.

Ở phía ngược lại, một số người nghĩ rằng đi uống giúp các đồng nghiệp có thể cởi mở và sống thật hơn cũng như là cơ hội để có thể thu thập các thông tin cần thiết liên quan tới công việc.

Tuy nhiên NLI cũng lưu ý kết qủa khảo sát này có thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid khiến người ta ít có cơ hội tụ tập hơn và khi đại dịch qua đi thì cán cân ủng hộ và không ủng hộ các buổi nomikai có thể thay đổi.

Theo Kyodo News, Japan Today

Trả lời