Khả năng phục hồi kinh tế hậu Covid gặp thách thức vì giá nguyên liệu tăng cao và đồng yên yếu

Đăng ngày 04/04/2022 bởi iSenpai

Nhiều doanh nghiệp Nhật đang cảm thấy những khó khăn mới xuất hiện dù cho cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch Covid đang dần đi qua. Chiến tranh Nga-Ukraine và sự suy yếu của đồng yên được dự đoán sẽ gây tác động tiêu cực tới khả năng phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Sự thận trọng được phản ánh trong một khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) khi nhiều doanh nghiệp cảm thấy khó tăng giá để khách hàng cùng gánh chịu mức tăng của chi phí nguyên liệu thô được gây ra bởi việc gián đoạn nguồn cung bởi các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine cũng như chênh lệch tỷ giá do đồng yên yếu. Tình hình hiện tại cũng không cho thấy sự chuyển biến khả quan trong ngắn hạn.

Hiện tại đồng yên đang ở mức thấp nhất trong 6 năm. Chi phí nhập khẩu tăng mạnh gây bất lợi cho một quốc gia thiếu tài nguyên sản xuất như Nhật Bản, đặc biệt sau các lệnh cấm vận đối với Nga – quốc gia xuất khẩu nguyên liệu hàng đầu thế giới. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Shunsuke Kobayashi với Kyodo News thì sự phục hồi kinh tế Nhật sau đại dịch có thể sẽ bị ngưng trệ và kể cả khi giá dầu thô giảm xuống đến mức 80$ một thùng thì nền kinh tế Nhật vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông cho rằng nếu giá nguyên liệu vẫn giữ ở mức hiện tại thì chi phí nhập khẩu của Nhật sẽ bị đội lên khoảng 90 tỷ USD so với năm ngoái.

Nội các của ông Kishida đã tiến hành xây dựng một số gói cứu trợ kinh tế để trợ cấp cho các doanh nghiệp năng lượng nhằm giảm mức tăng chi phí tới người tiêu dùng. Tuy nhiên một số nhà kinh tế cho rằng việc trợ cấp có thể gây phản tác dụng khi nhu cầu năng lượng và nhập khẩu không hề giảm và cán cân thương mại của Nhật sẽ tệ hơn

Việc người tiêu dùng Nhật Bản đã nhiều năm quen với giảm phát thì việc tăng giá được dự báo sẽ tác động khá nhạy cảm với việc giá cả hàng tiêu dùng tăng lên. Việc kích thích tiêu dùng cũng là một yếu tố quan trọng để hồi phục nền kinh tế sau đại dịch có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh này.

Ở chiều ngược lại, các nhà sản xuất Nhật Bản ở nước ngoài lại tăng lợi nhuận khi đồng yên yếu – đặc biệt là với ngành sản xuất ô tô. Một số nhà điều hành kinh tế Nhật như Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda có quan điểm rằng đồng yên yếu lại là nhân tố tích cực cho nền kinh tế Nhật khi các doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô như Toyota hay Honda có nhiều nhà máy ở nước ngoài hơn.

Theo Kyodo News, Japan Times

Trả lời