‘Khuyến học’ của Fukuzawa Yukichi: Những tư tưởng không bao giờ cũ

Đăng ngày 31/05/2016 bởi iSenpai

Fukuzawa Yukichi viết “Khuyến học” vào những năm 1872 – 1876, tức cách đây gần một thế kỷ rưỡi. Đó là khi nước Nhật đang chuyển dần từ chế độ phong kiến Mạc phủ sang chế độ Minh trị, xã hội còn đang bưng bít và rối loạn, tham nhũng tràn lan, dân chúng u mê ngu dốt. Để có được thành tựu Nhật Bản hôm nay, những hạt giống của chí khí độc lập và tinh thần quốc dân đã được gieo từ lúc đó.

Các đoạn trích dưới đây lấy từ “Khuyến học”, bản dịch của Phạm Hữu Lợi.

1. MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG, NẾU CÓ KHÁC BIỆT LÀ DO HỌC VẤN

“Người ta thường nói: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người.” Kể từ khi tạo hoá làm ra con người thì tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo.

Loài người – chúa tể của muôn loài – bằng hoạt động trí óc và hoạt động chân tay mà biến mọi thứ có trên thế gian thành vật có ích cho bản thân mình. Nhờ thế mà thoả mãn được nhu cầu ăn, mặc, ở, sống tự do theo ý muốn và không làm phiền, làm cản trở cuộc sống của đồng loại. Con người có thể sống yên ổn, vui vẻ trên thế gian. Đó là ý Trời, là niềm hi vọng của Trời đối với con người.

Vậy mà nhìn rộng ra khắp xã hội, cuộc sống con người luôn có những khoảng cách một trời một vực. Đó là khoảng cách giữa người thông minh và kẻ đần độn; giữa người giàu và người nghèo; giữa tầng lớp quý tộc và tầng lớp hạ đẳng.

Như thế là tại làm sao? Nguyên nhân thực ra rất rõ ràng.

Cuốn sách dạy tu thân “Thực ngữ giáo” có câu: “Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt.” Câu nói trên cũng có thể hiểu: Sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi.”

2. KHÔNG CÓ GÌ ĐÁNG SỢ HƠN LÀ NGU DỐT

“Hiện nay, người dân của thời Minh Trị đã ký thoả ước với chính phủ tuân theo các luật pháp hiện hành. Quốc pháp đặt ra có thể không làm hài lòng tất cả mọi cá nhân, nhưng không vì thế mà chúng ta lại hành động tuỳ tiện, mà hãy kiên nhẫn trong việc sửa đổi nó. Nghĩa vụ của người dân là thực hiện thật đúng luật, tôn trọng và bảo vệ luật.

Nhưng thử nhìn lại xem, không ít người trong nhân dân dưới thời Minh Trị vô học, mù chữ, cái thiện cái ác không phân biệt nỗi, chỉ biết ăn xong rồi lại ngủ, “vô công rồi nghề”. Không những thế, thường đã ngu dốt lại hay tham vọng, tìm mọi cách lừa đảo, luồn lách luật pháp, không cần hiểu ý nghĩa của luật pháp, không cần biết đến nghĩa vụ của bản thân, chỉ biết đẻ cho thật nhiều con nhưng lại không hề chăm sóc, dạy dỗ chúng.

Những kẻ ngu dốt đó không hề biết xấu hổ và con cái của họ khi lớn lên cũng chẳng có ích gì cho đất nước, trái lại chỉ là gánh nặng, nỗi khổ cho xã hội. Xã hội mà toàn là những con người như vậy thì có đem đạo lý ra giảng giải cũng vô ích, chỉ còn cách buộc phải làm là dùng sức mạnh để răn đe, để trấn áp những hành động bạo lực, hành vi quậy phá, phá rối mà thôi. Và đó cũng là lý do khiến cho các chính phủ chuyên chế, chính phủ độc tài được thể tồn tại trên thế giới.

Có thể nói, nền chính trị hà khắc không chỉ là tội do một bạo chúa hay những kẻ nắm quyền lực gây ra, mà còn là lỗi ở chính người dân chúng ta, do vô học do ngu dốt nên mới dẫn tới thảm hoạ cho chính mình.

Đâm thuê chém mướn, giết người cướp của, kéo bè kéo cánh tụ họp nổi loạn, chà đạp lên mọi pháp luật …, không một vụ việc nào trong số những hiện tượng trên đây lại được coi là hành động của con người cả. Vậy mà chúng ta đang là hình ảnh hiện thời của xã hội Minh Trị chúng ta. Trong xã hội toàn là “giặc dân” như thế này dẫu có vời tới Đức Phật hay Khổng Tử thì hai ngài có lẽ cũng đành phải bó tay. Để cai trị chắc phải dùng tới chế độ chính trị tàn bạo chuyên chế. Nhưng tôi tin rằng không người dân nào lại muốn được cai trị bằng chế độ chính trị hà khắc cả.

Ngay bây giờ chúng ta phải học, mài dũa tài năng và nhân cách, phải có thực lực để đứng vững trên địa vị và tư cách bình đẳng, để đấu tranh với những sai trái của chính quyền.

Đây cũng chính là mục đích của học vấn tôi muốn khuyên các bạn.”

3. VẬN HỘI SẼ HÉ MỞ Ở NHỮNG NƠI PHÁT HUY ĐƯỢC CHÍ KHÍ CỦA MÌNH

“Cả ngàn năm qua, chính phủ nắm trong tay mọi quyền hành trên khắp đất nước. Từ quân đội, học thuật, công thương nghiệp cho tới cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày, không cái gì mà chính phủ không nhúng tay vào. Nhân dân chỉ còn biết nhắm mắt tuân theo các chỉ thị của chính phủ. Đất nước ta giống như tài sản riêng của chính phủ, còn nhân dân chẳng khác nào như những người ăn nhờ ở đậu vậy. Đất nước ta như quần đảo không người ở. Nhân dân ta mang tư tưởng như những kẻ ăn nhờ ở đậu trên mảnh đất này. Và thế thì quốc gia cũng chỉ như cái nhà trọ, để người dân tạm dừng chân trong cuộc đời họ mà thôi. Vì thế, đối với người dân, vận mệnh quốc gia không dính dáng gì đến mình cả, không phải là nơi để phát huy chí khí. Tư tưởng này bao trùm khắp mọi miền đất nước.

Trên thế gian này, mọi sự vật nếu không tiến bộ ắt sẽ thụt lùi. Còn nếu nỗ lực thì không thể thụt lùi mà chắc chắn sẽ tiến về phía trước. Chẳng có sự vật nào lại không lùi không tiến mà chỉ dậm chân tại chỗ cả.

Nhìn vào xã hội nước ta hiện nay, tôi có cảm tưởng như hình thái văn minh đang tiến lên, nhưng “phần hồn” của văn minh thì ngày càng suy giảm. Tôi muốn nói với các bạn thế này: Ngày xưa, dưới thời phong kiến Mạc phủ, chính quyền chỉ dùng sức mạnh cai trị dân. Nhân dân do yếu thế nên chỉ còn có cách là ngoan ngoãn phục tùng chính quyền, nhưng trong bụng thì không phục chút nào cả. Họ sợ sức mạnh củachính quyền nên phải theo, và bề ngoài phải tỏ ra phục tùng.[…]

Tinh thần độc lập trong nhân dân khô héo, teo tóp như thế, cái gì cũng “sợ hãi” mà trông cậy vào chính phủ của nước mình thì thử hỏi bằng cách nào và làm như thế nào mà Nhật Bản chúng ta có thể đấu tranh để văn minh so với phương Tây được?

Vì thế tôi nghĩ: Nếu không vun đắp chí khí độc lập trong nhân dân, mà chỉ lo hoàn thiện cái vỏ bề ngoài của văn minh trên đất nước ta, thì điều đó cũng là vô nghĩa. Ngược lại, cái vỏ văn minh đó chỉ khiến cho lòng dân thêm yếu đuối, hoang mang.”

Theo BÚT CHÌ

Trả lời