Ngày 4/8 vừa qua, Toyota đã báo cáo lợi nhuận ròng quý II (từ tháng 4 đến tháng 6) đạt 897,8 tỷ yên (khoảng 8,2 tỷ USD) nhờ doanh số bán hàng ở 2 thị trường chính là Bắc Mỹ và Trung Quốc đã tăng mạnh ở mức trước khi đại dịch Covid xuất hiện.
Doanh thu của Toyota trong quý II là 7900 tỷ yên với 5 triệu xe được bán ra trong 6 tháng đầu năm, tăng 32,7% so với năm 2020 và 4,5% so với năm 2019. Thị trường chủ yếu của ông lớn ngành ô tô Nhật Bản là Mỹ và Tring Quốc.
Ở Mỹ, các dòng xe được ưa chuộng của Toyota là Highlander cùng các xe tải hạng nhẹ cũng như Camry và các dòng sedan khác. Ở Trung Quốc thì các dòng xe cao cấp hơn của Lexus được ưa chuộng nhất bên cạnh Corolla. Với việc Mỹ triển khai tiêm chủng nhanh còn Trung Quốc thì chống dịch mạnh mẽ khiến 2 thị trường lớn này có nhu cầu mua sắm tăng mạnh trở lại.
Dù vậy thì Toyota vẫn tỏ ra cẩn trọng vì tình trạng thiếu vật liệu bán dẫn và tăng giá nguyên liệu quy mô toàn cầu. Hãng vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận ròng trong năm tài khóa 2021 ở mức 2300 tỷ yên.
Một ông lớn khác của ngành ô tô thế giới là Honda cũng kinh doanh khởi sắc khi điều chỉnh dự báo lợi nhuận ròng trong năm tài chính hiện tại lên 670 tỷ yen, tăng 80 tỷ yen so với dự báo hồi tháng 5, nhờ vào việc tăng doanh số bán hàng và các biện pháp giảm chi phí. Tuy nhiên Honda cũng dự kiến hạ sản lượng xe xuống 4,85 triệu chiếc so với mức 5 triệu trước đó do tình trạng thiếu chip bán dẫn.
Toyota và Honda đều gặp áp lực từ việc giá nguyên liệu thô leo thang do các tiêu chuẩn khí thải ở các thị trường lớn đã cao hơn thúc đẩy nhu cầu các kim loại hiếm như rhodium. Ngoài ra các vật liệu pin quan trọng cũng như các vật liệu khác như thép, nhôm, nhựa cũng tăng giá. Toyota được cho là đã giảm thiểu thiệt hại từ cuộc khủng hoảng chất bán dẫn toàn cầu nhờ vào các hoạt động dự trữ nguyên liệu từ trước. Tuy nhiên đầu tuần này công ty cũng đã phải dừng một số dây chuyền ở Nhật Bản trong thời gian ngắn bởi nguồn cung chip quá thấp.
Theo Nikkei, VnExpress