Kinh nghiệm chọn trường cao học ở Nhật

Đăng ngày 26/07/2018 bởi iSenpai

Có lẽ không ít các bạn học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp Đại học ở Việt Nam có nguyện vọng sang Nhật để học lên Cao học. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nhật yêu cầu hoặc khuyến khích nhân viên của mình theo học chương trình Cao học để có một nền tảng kiến thức nhất định phù hợp với mục tiêu phát triển công việc. Vậy thì hãy cùng điểm qua những nét cơ bản về chương trình học này nhé.

1. Ưu thế của khoá học Cao học là giúp cho người học được nâng cao khả năng tư duy chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó, vì vậy nếu bạn là một người đam mê học và mong muốn trau dồi nghề nghiệp chuyên môn, đây hẳn là lựa chọn không tồi. Học phí Cao học ở các trường quốc lập, công lập ở Nhật vào khoảng 550.000 yên/năm, và bạn sẽ có rất ít thời gian đi làm thêm để trang trải cuộc sống vì lý do chương trình học khá nặng và bạn cần tự tìm hiểu tư liệu nhiều, yêu cầu của giáo sư cũng khá khắt khe, vì vậy, chuẩn bị về tài chính kỹ lưỡng để đảm bảo quá trình học không bị gián đoạn. Trước khi vào Cao học bạn cũng cần đạt trình độ tiếng Nhật tương đương N2 trở lên và không gặp khó khăn về nghe nói – đọc viết, hiện nay, nhiều trường quốc lập, công lập cũng nhận sinh viên học Cao học bằng tiếng Anh.

2. Về tổng quan, ở Nhật có 2 kỳ nhập học cao học vào tháng 10 và tháng 4 hàng năm, tuỳ từng trường và từng kỳ mà số lượng kỳ thi và cách đánh giá cũng khác nhau, thi tháng 9 đỗ sẽ nhập học tháng 10, thi tháng 12 và tháng 2 đỗ sẽ nhập học tháng 4. Nếu bạn đang du học tại trường tiếng Nhật, thời gian từ lúc chuẩn bị hồ sơ tới lúc thi Cao học cần ít nhất 6 tháng cho nên bạn cần cân nhắc về thời gian thi chứng chỉ tiếng Nhật (tháng 7 và tháng 12 hàng năm, kết quả trả vào tháng 8 và tháng 1) cũng như thời gian thi ở trường Cao học.
3. Về phần chọn trường, độ khó của kỳ thi đầu vào (偏差値 ) tại trường Đại học được chia thành 4 mức độ:
– Trường loại 1 là những trường top đầu, có chỉ số độ khó vào khoảng >=60, là các trường như ĐH Tokyo, ĐH Hitotsubashi, ĐH Waseda, ĐH Keio, ĐH Sophia, ĐH Aoyama Gakuin, ĐH Rikkyo, ĐH Chuo, ĐH Hosei, ĐH Quốc gia Yokohama, ĐH Chiba… Yêu cầu khá cao thường là tiếng Nhật N1 và tiếng Anh ở trình độ khá. Kỳ thi cũng theo đó chia làm nhiều vòng thi: xét hồ sơ, viết luận, phỏng vấn, trình độ ngoại ngữ…
– Trường loại 2 là những trường có chỉ số độ khó vào khoảng 50 tới dưới 60, là các trường như ĐH Meiji Gakuin, ĐH Reitaku, ĐH Dokkyo, ĐH Saitama, ĐH Shizuoka, ĐH Nihon, ĐH Toyo… thường yêu cầu về tiếng Nhật N2, N1, tiếng Anh ở mức khá, vòng thi cũng ít hơn – thi luận và phỏng vấn.
– Trường loại 3 là những trường có chỉ số độ khó vào khoảng 40 tới dưới 50, là các trường như ĐH Meikai, ĐH Asia, ĐH Kokushikan, ĐH Takushoku, ĐH Aichi Kouka, ĐH Ryutsu Keizai, ĐH Saitama Kogyo… thường yêu cầu tiếng Nhật N2 hoặc N1, viết luận và phỏng vấn
– Trường loại 4 là những trường có chỉ số độ khó 40 trở xuống, hoặc có những trường vào để xin visa, yêu cầu cũng khá thấp, đôi khi không cần thi luận.
Bạn có thể tham khảo ở trang web hỗ trợ du học sinh của chính phủ Nhật: http://www.jpss.jp/ja/ ( có cả tiếng việt và có rất nhiều thông tin cho bạn từ tìm trường , thông tin trường, học phí, yêu cầu đầu vào …)
3. Về phần chọn giáo sư hướng dẫn, thông thường các trường sẽ có quyển guidebook dành cho sinh viên muốn đăng ký thi tại trường, trong đó sẽ có đính kèm danh sách các Giáo sư hướng dẫn sinh viên Cao học cùng với các đề tài, các lĩnh vực mà Giáo sư đang nghiên cứu. Bạn cần xác định mình muốn nghiên cứu lĩnh vực gì để liên lạc trước với Giáo sư, lý do là Giáo sư có thể sẽ cho bạn lời khuyên trong bài kế hoạch nghiên cứu và nếu không có thì khả năng trượt kỳ thi đầu vào lúc phỏng vấn khá cao. Vì vậy, cần liên hệ càng sớm càng tốt vì không phải tất cả những Giáo sư bạn gửi thư sẽ trả lời bạn và chấp nhận bạn. Bạn có thể tham khảo trang web tìm giáo sư hướng dẫn: http://researchmap.jp/search/

Image result for 大学院

4. Về phần chuẩn bị hồ sơ, đây chính là phần mà những gì bạn có – nền tảng kiến thức của bạn, niềm đam mê nghiên cứu và khả năng nghiên cứu của bạn, năng lực ngoại ngữ của bạn… được thể hiện rõ ràng nhất. Và chính bộ hồ sơ đó sẽ quyết định bạn có được Giáo sư nhận hướng dẫn hay không. Học Cao học – chính là nghiên cứu những điều chưa ai nghiên cứu, hoặc những thứ đã được nghiên cứu nhưng còn sai sót nhiều, chứ không còn là học đơn thuần nữa.
Hồ sơ đi thi tuỳ vào từng trường yêu cầu những giấy tờ khác nhau, tuy nhiên thì có 2 điểm mình nghĩ là quan trọng nhất như sau:
– Kế hoạch nghiên cứu của bạn. Trong này nêu những gì tinh tuý nhất giúp đề tài của bạn thu hút được Giáo sư. Trường tiếng Nhật sẽ chỉ sửa cho bạn ngữ pháp, và luyện cho bạn những câu phỏng vấn cơ bản, vì vậy bạn cần lên ý tưởng và đọc tài liệu kỹ càng để hiểu rõ về những điều bạn viết, tránh trường hợp đi phỏng vấn bị hỏi về đề tài mà không thể trả lời rành mạch.
– Quan trọng không kém kế hoạch nghiên cứu là lý do xin vào trường, tóm lược 3 nội dung sau:
+ Tại sao lại học ngành này ( hay muốn nghiên cứu đề tài này )
+Lý do chọn trường
+ Dự định sau ra trường

Và để có thể lắng nghe các senpai chia sẻ kinh nghiệm thực tế thi và phỏng vấn ở các trường Đại học, Cao học, Senmon như thế nào, đừng bỏ lỡ sự kiện sắp tới đây nhé!
VYSA SCHOOLFAIR 2018 – Cùng VYSA, cá chép hoá rồng!
**Thời gian: 17/08/2018 (Thứ 6), 11:00~18:00
**Địa điểm: 東京都千代田区一ツ橋1丁目1−1パレスサイドビル地下1階
**Link đăng kí: http://bit.ly/2m3ERXm
**Event Facebook: http://bit.ly/2urrzrs
**Website chính thức:http://vysajp.org/
**Mọi thắc mắc xin liên hệ: schoolfair@vysajp.org

Trả lời