Kinh tế Nhật Bản 5/2015

Đăng ngày 01/06/2015 bởi iSenpai

Kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại sau khi những hệ quả không mong muốn của đợt tăng thuế bán hàng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014 giảm dần. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng vẫn còn thấp, chủ yếu do tiêu dùng cá nhân tăng một cách chậm chạp bất chấp những hiệu quả tích cực được mong đợi từ giá dầu giảm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ công gia tăng, lạm phát xa rời mục tiêu 2%, vẫn là những thách thức dài hạn mà chính phủ Nhật Bản đang phải đối mặt để cố gắng hồi sinh nền kinh tế của đất nước.

Một số vấn đề nổi bật của kinh tế Nhật Bản trong tháng 5/2015

GDP tăng nhẹ trong Quý I/2015: Ngày 20/5/2015, chính phủ Nhật Bản công bố tăng trưởng GDP quý I/2015 của nước này đạt mức 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức dự báo trung bình 1,5% của thị trường, đánh dấu mức tăng trưởng trong hai quý liên tiếp, nhờ hàng hóa xuất khẩu và đầu tư vào nhà ở tăng. Kim ngạch xuất khẩu tăng 2,5%, trong khi nhập khẩu tăng 2,9%.  Đầu tư vào nhà ở cũng tăng 1,8%, mức tăng đầu tiên trong một năm qua, do xu hướng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên dữ liệu cũng cho thấy chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 60% GDP của Nhật Bản vẫn còn phục hồi chậm, chỉ tăng 0,4% so với quý trước đó[1].

Thặng dư tài khoản vãng lai tăng cao nhất trong 7 năm: Trong một báo cáo công bố ngày 13/5/2015, Bộ tài chính Nhật Bản cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tháng 3/2015 đạt mức 2.795,3 tỷ yên, cao hơn so với dự báo trung bình của 23 viện nghiên cứu kinh tế theo khảo sát của Jiji Press là 2.060,1 tỷ yên. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trong bối cảnh giá dầu thô giảm kéo theo kim ngạch nhập khẩu dầu thô giảm. Bên cạnh đó, sự xuống giá của đồng yên giúp các sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản rẻ hơn, tăng thu nhập từ đầu tư nước ngoài[2].

Nợ công tăng cao: Trong báo cáo công bố ngày 8/5/2015, Bộ tài chính Nhật Bản cho biết nợ công của nước này đã đạt mức kỷ lục 1.053.357,2 tỷ yen (8.780 tỷ USD) vào cuối tháng 3/2015.  Nếu tính bình quân đầu người, trung bình mỗi người dân Nhật Bản bây giờ phải gánh một khoản nợ lên tới 8,3 triệu yên tính trên tổng dân số được ước tính ở mức gần 126,9 triệu người, qua đó gây áp lực lên chính phủ nước này phải tăng cường các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Bộ tài chính cũng dự báo nợ công của Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục tăng lên mức 1.167.100 tỷ yên vào cuối năm tài chính 2015 trong bối cảnh xã hội ngày càng già hóa, gánh nặng an sinh xã hội ngày càng tăng. Điều này cho thấy thực trạng tài chính của Nhật Bản đang ở mức tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế phát triển[3]. Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách cơ bản (hay còn gọi là thâm hụt không tính chi trả nợ và lãi nợ gốc) so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) còn khoảng 1% vào năm tài chính 2018, từ mức 3,3% GDP danh nghĩa trong năm tài chính 2014, nhằm đạt được thặng dư ngân sách cơ bản vào năm tài khóa 2020[4].

Lạm phát xa rời mục tiêu: Ngày 1/5/2015, Bộ nội vụ Nhật Bản cho biết tỷ lệ lạm phát lõi của nước này (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) đã tăng 2,2% trong tháng 3/2015 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong 10 tháng qua kể từ tháng 5/2014. Nếu không tính tới tác động của việc tăng thuế bán hàng vào tháng 4/2014, lạm phát Nhật Bản chỉ ở mức 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của BOJ đề ra. Thống đốc BOJ, ông Kuroda thừa nhận rằng việc đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát là một thách thức rất lớn, và ông cũng cảnh báo tỷ lệ lạm phát có thể tạm thời rơi xuống 0%. Ông Kuroda hy vọng BOJ có thể đạt được mục tiêu lạm phát 2% vào nửa đầu năm tài chính 2016, thay vì nửa đầu năm tài chính 2015 như kế hoạch ban đầu[5].

Trước đó, ngày 30/4/2015, BOJ tuyên bố không tung thêm bất kỳ biện pháp nới lỏng mới nào, bất chấp tỷ lệ lạm phát còn yếu và sản lượng nhà máy đã giảm 1,2% trong tháng 3/2015 so với một năm trước đó[6].  BOJ khẳng định sẽ tiếp tục duy trì mua tài sản và thực hiện các biện pháp khác nhằm thúc đẩy lạm phát, kích thích chi tiêu của các công ty và người tiêu dùng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, BOJ có thể buộc phải mở rộng kế hoạch nới lỏng tiền tệ hơn nữa nhằm nâng giá tiêu dùng lên và chống lại nguy cơ suy giảm kinh tế[7].

 

Minh Nguyệt

[1] Japan’s economy continues to recover moderately in Jan.-March

http://newsonjapan.com/html/newsdesk/article/112591.php

[2] Japan’s March current account surplus highest in 7 yrs http://newsonjapan.com/html/newsdesk/article/112496.php

[3] Japan govt debts hit record 1,053 trillion yen

http://newsonjapan.com/html/newsdesk/article/112440.php

[4] Gov’t to set medium-term target to achieve 2020 fiscal reform goal

http://newsonjapan.com/html/newsdesk/article/112474.php

[5] BOJ delays timing of reaching 2% inflation goal on weak consumption http://newsonjapan.com/html/newsdesk/article/112372.php

[6] BOJ keeps policy unchanged as Japan’s factory output falls

http://newsonjapan.com/html/newsdesk/article/112368.php

[7] Japan’s inflation rate up 2.2% in March as BOJ keeps policy unchanged

http://newsonjapan.com/html/newsdesk/article/112383.php

(theo cjs.inas.gov.vn)

Trả lời