Làn sóng Covid thứ tư ở Nhật hoàn toàn khác so với trước đây

Đăng ngày 20/04/2021 bởi iSenpai

“Tôi không thể ăn cơm với gia đình” “Tôi không thể về nhà, tôi phải thuê trọ và sống ở ngoài” … Đó không phải là câu chuyện của bệnh nhân Covid, mà đó là tình trạng hiện tại của những bác sĩ, điều dưỡng đang làm việc ở bệnh viện mà NHK đã ghi lại. Làn sóng thứ tư hoàn toàn khác và nếu Nhật Bản chỉ dựa vào sự nỗ lực của bệnh viện thì sẽ là không đủ.

Đầu tháng này phóng viên Saya Inoue của NHK đã đến thăm Trung tâm cấp cứu tỉnh Nakakawachi, thành phố Higashi, Osaka. Vẫn là những khung cảnh quen thuộc đó, một số điều dưỡng đang chăm sóc bệnh nhân mất ý thức, các bệnh nhân được đặt nội khí quản và có một ống dài nối từ miệng đến máy thở, nhưng trong số đó có nhiều bệnh nhân đang độ tuổi từ 40 – 50 tuổi. Điều này rất khác với lần đầu tiên khi cô đến thăm nơi đây lần đầu vào năm ngoái. Khi đó, hầu hết bệnh nhân đều khoảng 80-90 tuổi.

Đây là sự khác biệt rất lớn trong làn sóng Covid thứ tư. Nguyên nhân có thể là do virus đột biến. Theo WHO, virus đột biến có khả năng lây nhiễm cao gấp 1,7 lần so với virus thông thường. Đương nhiên, khả năng lây nhiễm càng cao thì nguy cơ mắc càng lớn ở tất cả các lứa tuổi. Nhưng khi cô nhìn thấy khung cảnh nhiều bệnh nhân ở độ tuổi cha mẹ mình đang điều trị máy thở tại bệnh viện, thì đó thật sự là một cảm giác khủng hoảng. Các bệnh nhân nhập viện ở đợt thứ tư này cũng nằm viện lâu hơn 3-4 ngày so với những lần trước.

Theo viện trưởng Hitoshi Yamamura, làn sóng thứ ba chủ yếu là người cao tuổi. Nhưng lần này, số người trẻ mắc bệnh đã tăng lên, ngay cả những người không có bệnh nền cũng dễ trở nặng. Nếu bệnh nhân cứ tăng lên hàng ngày như thế này, rất có thể bệnh viện sẽ thiếu giường. Bệnh viện này là Trung tâm cấp cứu quan trọng duy nhất trong khu vực Thành phố Higashi, Osaka, với 30 giường bệnh để xử trí các trường hợp tai nạn, bệnh tật nguy hiểm đến tính mạng.

Từ khi virus corona xuất hiện, nó vừa duy trì chức năng cấp cứu, vừa được dành để chuyên điều trị những bệnh nhân nặng cần dùng đến máy thở hay hồi sinh tim phổi nhân tạo (ECMO). Vào ngày 13 tháng này, số ca nhiễm mới ở tỉnh Osaka lần đầu tiên vượt quá 1.000 người, lập kỷ lục mới trong ba ngày liên tiếp. Số lượng bệnh nhân nguy kịch cũng tăng vọt, vượt qua số giường có thể nhập viện. Về sự việc này,

Viện trưởng Yamamura lo lắng rằng kể cả khi bệnh viện cố gắng tăng số giường bệnh lên, thì số lượng bác sĩ và điều dưỡng cũng không đáp ứng đủ. Đó thực sực là một bối cảnh khó khăn, nếu không được điều trị kịp thời, nhiều bệnh nhân sẽ tử vong trong khi hoàn toàn có thể được cứu nếu có đủ nhân viên y tế và giường bệnh. Đây là lần đầu tiên Viện trưởng đề cập đến việc sẽ không thể cứu bệnh nhân kể từ lần phỏng vấn đầu tiên vào khoảng một năm trước.

Tính đến ngày 14, số bệnh nhân nặng ở tỉnh Osaka là 261 người. Trong khi số giường bệnh nặng có thể nhập viện ngay là 241 người. Như vậy, toàn bộ số giường dành cho bệnh nhân nặng đã hoàn toàn chật kín. Một số bệnh nhân không thể chuyển viện phải tiếp tục ở lại điều trị tại các viện chuyên tiếp nhận bệnh nhân trung bình và nhẹ. Theo dự đoán của tỉnh, ngay cả khi “Các biện pháp trọng điểm chống Covid” có hiệu quả vào ngày 19 tháng này và số ca nhiễm mới bắt đầu giảm, thì số bệnh nhân nặng vẫn tăng từ 300 người đến hơn 400 người vào đầu tháng tới.

Tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Osaka đã được dỡ bỏ vào cuối tháng Hai. Sau đó, rất nhiều người đã đi đến Umeda và Namba, và các bữa tiệc chào mừng và chia tay cũng được tổ chức. Do đó, số lượng người mắc bệnh đã tăng bùng nổ hơn bao giờ hết, nhưng biện pháp tiếp theo mà tỉnh đưa ra là áp dụng “Các biện pháp trọng điểm chống Covid” và yêu cầu các nhà hàng đóng cửa sớm hơn… Cho đến nay, các biện pháp này hầu như không mang lại kết quả. Khi tình trạng nhiễm bệnh tiếp tục lan rộng và các giường bệnh chật kín, không chỉ Corona mà trong các trường hợp bị bệnh khác hay tai nạn,…  bệnh nhân cũng không thể nhận được sự chăm sóc y tế. Vì vậy, bảo vệ ngành y tế chính là bảo vệ toàn bộ người dân.

Theo NHK, Newspick

Trả lời