Linh hồn của mùa hè Nhật Bản: Lễ hội Obon

Đăng ngày 10/06/2022 bởi iSenpai

Obon là một lễ hội hàng năm của Nhật Bản – và mục đích của nó là để tưởng nhớ những người thân yêu đã qua đời. Ngày hội này chính là ngày đoàn tụ gia đình, là thời điểm mọi người trở về quê cha đất tổ thăm viếng, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Đây cũng là thời điểm mà họ tin rằng linh hồn của những người đã mất được phép trở về thăm con cháu.

Lễ hội Obon kéo dài trong ba đến bốn ngày, tuy nhiên ngày bắt đầu lại có sự khác biệt giữa các vùng miền của Nhật Bản:

  • Shichigatsu Bon: tổ chức vào ngày 15/7 dương lịch, ở các vùng như Tokyo, Yokohama và Tohoku.
  • Kyu Bon vào ngày 15/7 âm lịch ở các vùng phía Bắc Kanto, Chugoku, Shikoku và các đảo ở phía Tây Nam.
  • Hatchigatsu Bon thì được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch. Đây là ngày phổ biến nhất và là ngày hội Obon lớn nhất được tổ chức tại cố đô Kyoto.

Người Nhật làm gì trong những ngày hội Obon?

Ý nghĩa của Lễ hội Obon là: “Linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở về trần thế”, là ngày tổ tiên quay về nên người Nhật sẽ chuẩn bị rất kỹ càng và chu đáo cho việc đón tổ tiên.

Thông thường, để chuẩn bị, các hoạt động trong bốn ngày sẽ là:

Vào trước ngày bắt đầu Obon, người ta thường trang trí dưa chuột và cà tím cắm bằng que tăm hoặc đũa được gọi là “Ngựa linh thiêng”. Dưa chuột là ngựa, cà tím là bò, có ý nghĩa là “những người đã khuất sẽ lên ngựa để nhanh chóng trở lại trần gian, sau đó sẽ cưỡi bò để thong thả từ từ quay trở về thế giới bên kia”.

 Vào ngày bắt đầu Obon, người ta sẽ đốt lửa bằng thân của cây gai Ogara được bẻ nhỏ. Người ta cho rằng, linh hồn người đã khuất sẽ cưỡi đám khói từ ngọn lửa này để quay trở về trần gian. Nhờ đám khói này mà linh hồn người đã khuất sẽ không bị lạc đường và có thể quay về nhà mình an toàn, vì vậy đám khói này còn có vai trò như là vật chỉ đường “Michishirube”.

Vào những ngày tiếp theo, các gia đình sẽ cùng nhau đi viếng mộ, dọn dẹp các phần mộ sạch sẽ, dâng hoa, thắp hương, dâng nước để thờ cúng tổ tiên. Sau đó những người thân thuộc, họ hàng trong gia đình lại tập trung lại và cùng nhau ăn uống. Đây là khoảng thời gian quan trọng để tưởng nhớ đến những người đã khuất.

Ngày cuối cùng của lễ Obon chính là ngày tạm biệt tổ tiên. Cũng giống như phong tục đốt lửa đón tổ tiên vào ngày đầu tiên, ngày cuối cùng họ cũng lại đốt lửa để tổ tiên có thể quay về thế giới bên kia nhờ đám khói từ ngọn lửa đó.

Vì sao bạn nên đến và trải nghiệm lễ hội Obon?

Nếu bạn muốn trải nghiệm Lễ hội Obon một cách hoàn hảo nhất thì bạn nên dành thời gian để đến Kyoto để tham dự Lễ hội lửa Daimonji Gozan Okuribi. Vào ngày cuối cùng của lễ hội, lễ dâng lửa với những đám lửa được tháp lên ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto. Khi lễ dâng lửa diễn ra, khu vực tập trung đông người nhất là xung quanh trường Đại học Kyoto. Vị trí quan sát rõ nhất chính là đỉnh núi Yoshida và Funaoka. Những đám lửa lớn được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán, bắt đầu là chữ Đại (Daimonji), rồi đến Diệu (Myo), Pháp (Ho) và Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với chùa Vàng.

Và sau khi đám lửa đã cháy hết, các điệu nhảy của Lễ hội Bon sẽ được tổ chức tại chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi. Các điệu nhảy này là Daimoku và Sashi, thường được bắt đầu từ 21h và kết thúc sau khoảng 1 giờ đồng hồ.

Thêm vào đó, lễ hội Obon còn là một dịp tuyệt vời để bạn tìm hiểu về văn hóa và vẻ đẹp của Nhật Bản, đặc biệt còn là dịp để ban có thể khoác thử lên mình bộ trang phục Yukata truyền thống. Đến lễ hội, bạn sẽ thấy mọi người mặc những bộ Yukata sặc sỡ và xinh đẹp khắp nơi, đi lại, thưởng thức các món ăn đường phố quen thuộc như yakitori, takoyaki, yakisoba, dango,… hay tham gia các trò chơi dân gian quen thuộc.

 

Vì vậy, nếu được, hãy một lần thử đến và tự mình cảm nhận ngày hội đặc sắc này của Nhật Bản nhé!

Nguồn: https://www.tokyocreative.com/articles/19574-spiritual-summers-in-japan-all-about-obon

https://hachihachi.com.vn/Goc-tieu-dung/Van-hoa-Nhat-Ban/Le-hoi-Obon-tai-Nhat-Ban-4500.aspx

https://en.wikipedia.org/wiki/Bon_Festival

Trả lời