Người vô gia cư ở Nhật

Đăng ngày 26/11/2014 bởi iSenpai

Kết quả khảo sát mới đây cho thấy số người vô gia cư của thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay, làm dấy lên dư luận trái chiều.

Nơi ở của ông Minoru Ebata khá “nổi bật” ở khu thương mại Shinjuku sôi động nhất Tokyo. Người đàn ông 64 tuổi này ngủ trên một chiếc giường tạm ở vỉa hè Koen Dori (phố công viên) đông đúc. Chiếc cầu đường bộ là “mái nhà” che chắn cho ông Ebata và đồ đạc khỏi những cơn mưa.

Đi bộ một đoạn nữa, phía dưới chiếc cầu đường bộ tiếp theo là nơi sinh sống của cụ Kazuo Oka, đã ngoài 70 tuổi. Cụ Kazuo Oka kiếm được khoảng 3.000 yen (28 USD)/ngày bằng việc thu nhặt đồ hộp tái chế, và tự hào về những bữa tối nấu bằng bếp du lịch bên lề đường.

Con số thực sự

Theo khảo sát của chính quyền Tokyo, vào tháng 8/2014, số lượng người vô gia cư ở khu vực này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1.697 người từ 1.877 người năm 2013. Con số này so với 6.731 người vô gia cư ở Tokyo năm 2004 là một khác biệt lớn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kết quả khảo sát là không đầy đủ. Theo ông Hiroshi To tại Vụ Phúc lợi xã hội và y tế công của Tokyo, cuộc khảo sát đã không tính đến những đối tượng không có nơi ở cố định, như những người ngủ ở quán cà phê Internet, quán ăn nhanh, hay trong những chiếc xe ô tô.

“Con số thực tế có thể lớn hơn nhiều, thậm chí là gấp đôi, so với số liệu của chính phủ”,  Giáo sư xã hội học Tom Gill tại Đại học Meiji Gakuin nhận định. Giáo sư Gill cho hay xu hướng giảm số lượng người vô gia cư ở Nhật là chính xác, nhưng vấn đề quan trọng hơn là tình trạng sống bấp bênh của họ vẫn không được cải thiện.

Trong khi đó, theo ông Kingston – giảng viên Đại học Temple của Nhật Bản, số lượng công nhân không có việc làm ổn định đã tăng từ 15% hồi những năm 1980 tới 38% vào thời điểm hiện nay. “Có thể đúng khi nói rằng người vô gia cư không còn nhiều ở Tokyo, nhưng điều này không có nghĩa là họ đã biến mất. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều người gặp khó khăn về kinh tế do mô hình kinh tế Nhật Bản đã thay đổi”, ông Kingston cho biết.

Những hệ lụy

Ông Kingston gọi vấn đề người vô gia cư ở Tokyo là trò “whack – a – mole” (trò đập sóc chuột ở siêu thị). Khi bạn “đập” một con sóc chuột, bạn tưởng rằng nó đã biến mất, nhưng ngay lập tức con sóc chuột đó lại xuất hiện ở một nơi nào đó trong Tokyo. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều nhà phân tích.

Một người đàn ông sống trong chiếc lều cạnh khu trung tâm thương mại gần ga Ueno, chia sẻ: “Nhiều người vô gia cư từng ở đây đã chuyển tới sinh sống ở các khu vực khác. Tôi không nghĩ tình trạng vô gia cư đã thay đổi, nếu không nói là nó đang xấu đi”.

Đáng ngại hơn, tình trạng vô gia cư còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với xã hội. Có thể kể đến số lượng đơn xin trợ cấp xã hội tăng chóng mặt, và ảnh hưởng tồi tệ của nó lên gánh nợ quốc gia – số nợ lớn nhất trong số các nước phát triển – của Nhật Bản.

Ngoài ra, tình trạng bóc lột lao động, như thuê người vô gia cư dọn dẹp chất thải hạt nhân sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima với thù lao thấp, các vụ tấn công của những băng nhóm tội phạm mà mục tiêu là người vô gia cư… cũng là những vấn đề mà chính quyền địa phương cần giải quyết.

Người vô gia cư ở Nhật Bản, mà đa phần là người già cả, vẫn đang đấu tranh trong cuộc chiến “cơm áo gạo tiền”. Cuộc cạnh tranh tìm kiếm việc làm với những công nhân trẻ, sung sức hơn đã khiến nhiều người già Nhật Bản phải sống vất vưởng cho đến cuối cuộc đời.

Bên ngoài ga Ueno, lác đác có những tấm thảm bằng bìa cáctông của những người không nhà cửa. Ngồi nhìn “hàng xóm” dựng lều trên vỉa hè, một người vô gia cư từng là công nhân xây dựng nói: “Thật khó khăn. Nhưng chúng tôi cũng chẳng thể làm khác được”.

Nguồn Hạnh Nhân (Theo Aljazeera)

Trả lời