Ngày 28/4, Thống đốc Tatsuji Sugimoto của tỉnh Fukui đã đồng ý tái khởi động nhà máy điện hạt nhân cũ của Công ty Điện lực Kansai. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản khởi động lại nhà máy hạt nhân sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Cụ thể hơn, Thống đốc Fukui đã đồng ý khởi động lại lò phản ứng số 1, 2 (Thị trấn Takahama) và lò phản ứng số 3 (Thị trấn Mihama). Việc khởi động lại một nhà máy điện hạt nhân cần phải có sự đồng ý của cả chính quyền địa phương và Quốc hội Nhật. Các thị trấn Takahama và Mihama đã thông qua việc khởi động lại nhà máy vào tháng 2 trong khi đó hội đồng tỉnh Fukui đã đồng ý vào ngày 23/4.
Luật Nhật Bản quy định nguyên tắc về thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân là 40 năm, và nếu được Ủy ban Điều tiết hạt nhân phê duyệt thì có thể được gia hạn tối đa 20 năm một lần. Ngoài 3 lò phản ứng trên, nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 ở tỉnh Ibaraki cũng đã được chấp thuận việc tái khởi động tuy nhiên vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Điện hạt nhân đóng một vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng của Nhật Bản tuy nhiên sự cố ở nhà máy Fukushima đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính an toàn của nguồn năng lượng này. Dư luận Nhật Bản hiện đang chia thành hai trường phái rõ rệt: một bên yêu cầu chính phủ loại bỏ điện hạt nhân khỏi chương trình năng lượng quốc gia còn một bên ủng hộ việc sử dụng điện hạt nhân để tránh sự phụ thuộc vào dầu mỏ, nguồn nguyên liệu gây hại đến môi trường và Nhật Bản không thể chủ động nguồn cung.
Theo Yahoo News, NHK, Japan Times, ANN News