Nhật Bản thiếu thông dịch viên tiếng Việt trong dịch Covid

Đăng ngày 06/12/2020 bởi iSenpai

Mới đây Nikkei đã có một bài báo về đề tài thiếu thốn thông dịch viên tiếng Việt tại Nhật và đặc biệt những người làm nghề này đã quá tải trong thời kỳ Covid-19.

Một nhân viên người Việt 30 tuổi làm việc tại Osaka International House Foundation trả lời phỏng vấn của Nikkei cho biết cô đã không thể nghỉ ngơi theo đúng nghĩa đen khi phải tiếp nhận các cuộc gọi đến không ngừng kể từ khi dịch Covid bùng phát. Cô nói, “Thỉnh thoảng có những ngày tôi nói chuyện điện thoại trong suốt tám giờ làm việc”.  Khi lượng người Việt Nam ở Nhật tăng lên trong những năm gần đây, tình trạng thiếu thông dịch viên tiếng Việt đang gây khó khăn cho người Việt Nam tại Nhật Bản trong việc sử dụng các phúc lợi của chính phủ.

Osaka International House Foundation (OIHF) là tổ chức cung cấp thông dịch viên cho người nước ngoài ở thành phố trung tâm vùng Kansai. Từ khi Covid-19 xuất hiện, họ nhận được ngày càng nhiều các cuộc gọi về vấn đề sức khỏe và việc làm từ những người Việt tại Nhật. Chỉ trong tháng 7 họ nhận được gần 800 yêu cầu, gấp 3 lần so với tháng 4, trong đó số cuộc gọi bằng tiếng Việt nhiều thứ ba chỉ sau tiếng Anh và tiếng Trung. Cách đó 1 năm khi tổ chức này bắt đầu mở đường dây nóng qua điện thoại thì chỉ có 3 cuộc gọi tới bằng tiếng Việt trong tháng đầu tiên.

Dù OIHF đã tăng số lượng đội ngũ thông dịch viên tiếng Việt nhưng khối lượng công việc cũng tăng nhanh không kém. MIC – trung tâm thông tin đa ngôn ngữ phi lợi nhuận ở Yokohama cũng cho biết họ chỉ đáp ứng được 1/4 số yêu cầu thông dịch viên tiếng Việt trước khi phải tạm ngừng hoạt động do dịch Covid. Một nhân viên cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ chối những cuộc gọi đến do không đủ nhân lực.

Hiện tại số người Việt Nam ở Nhật là hơn 420,000 người, cao gấp hơn 3 lần 5 trước. Số người Việt Nam ở Nhật xếp thứ ba, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Một nguyên nhân dẫn tới việc thiếu thông dịch viên là do vấn đề tài chính khi các địa phương không có đủ nguồn tài chính dể hỗ trợ các văn phòng có thông dịch viên thường trực mà phụ thuộc vào các tình nguyện viên từ các tổ chức liên kết hoặc các tổ chức phi lợi nhuận. Bên cạnh đó người thông dịch không chỉ cần giỏi ngôn ngữ mà còn có khả năng xử lý các thuật ngữ chuyên môn hành chính cũng như có kiến thức về lĩnh vực này. Những nhân lực chất lượng cao như thế cần được đãi ngộ tốt và cần được tuyển dụng thông qua một hệ thổng chuẩn quốc gia, theo ý kiên của Minoru Naito – Phó giao sư thuộc Đại học ngoại ngữ Tokyo.

Theo Nikkei, VnExpress

Trả lời