Nhật Bản và những công trình chịu được động đất mạnh

Đăng ngày 10/02/2016 bởi iSenpai

Nhìn hình ảnh tòa nhà chung cư đổ sập sau trận động đất mới đây tại Đài Loan trong khi những tòa nhà khác vẫn đứng vững thì mới thấy rõ được những kỹ thuật xây dựng đặc biệt để chống động đất là cần thiết như thế nào.

Nhìn sang Nhật Bản, đất nước Phù tang không xa lạ gì với động đất và chính điều này, nhất là từ sau trận động đất tại Kobe năm 1995 khiến 6.434 người chết, đã giúp người Nhật tích lũy và hoàn thiện được những kinh nghiệm xây dựng chống động đất rất hiệu quả.

Vào năm 2011, khi xảy ra động đất 9,0 độ tại miền tây- bắc Nhật Bản thì thủ đô Tokyo cách đó gần 400 km đã bị rung chuyển mạnh, song nhiều tòa nhà tại đây, kể cả tháp Tokyo Skytree cao 634 mét, lúc đó đang xây dựng chưa xong, vẫn không hề hấn gì. Dưới đây là một vài kỹ thuật được áp dụng trong thiết kế xây dựng tại Nhật Bản để phòng tránh động đất.

horyuji_bspm

Đền Horyuji tại cố đô Nara, Nhật Bản. 

– Những biện pháp đơn giản. Gia cố các bức tường và tường chịu lực. Gia cố các cây cầu bằng cách bao quanh trụ cầu bằng những vòng xích kim loại. Sau trận động đất vào tháng 3-2011, nhiều trường học tại Nhật đã được gia cố thêm bằng cách dùng những cấu trúc kim loại hình chữ thập gắn thêm vào các cửa sổ. Những thiết kế chữ thập màu trắng này hiện đang được trông thấy tại nhiều nơi ở thủ đô Tokyo.

– Thiết kế đặc biệt cho các tòa nhà tháp. Mục đích là để hấp thụ lực tác động và giảm thiểu tối đa những chuyển động rung lắc giữa các tầng lầu. Khi có động đất cường độ mạnh, tòa nhà có thể đong đưa qua lại với biên độ lớn như một đồng hồ quả lắc và chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng những rung lắc nội tại của tòa nhà đã bị triệt tiêu. Một kỹ thuật khác rất phổ biến tại Tokyo là triệt tiêu lực tác động bằng chất lỏng (dầu bôi trơn), một dạng cấu trúc như những piston lớn. Một dẫn chứng là tòa tháp Mori cao 238 mét với 53 tầng và 6 tầng hầm của khu phức hợp Roppongi Hills tại Tokyo.


Tháp Mori tại thủ đô Tokyo cao 238 mét với 53 tầng và 6 tầng hầm là công trình tiêu biểu của kỹ thuật xây dựng chống động đất. 

– Những công nghệ khác. Những cấu trúc chống động đất bằng cao su, dạng những ống giảm xóc khổng lồ được lắp đặt bên dưới những tòa nhà để hút lực tác động khi nền đất rung chuyển. Ông Kenji Sawada, giám đốc điều hành của Japan Society of Seismic Isolation giải thích: “Cấu trúc này thường được sử dụng cho các tòa nhà thấp hoặc có chiều cao trung bình, như những khu chung cư chẳng hạn, chứ không sử dụng cho các tòa nhà cao tầng uyển chuyển hơn. Tuy nhiên, song song đó cũng phải cần đến các biện pháp gia cố bằng các thanh đà ngang và khung kim loại”.

tokyos-1_nyyj Tháp Tokyo Skytree cao 634 mét.

– Kinh nghiệm của người xưa. Tháp Tokyo Skytree hiện đại nhưng được ứng dụng một thiết kế cổ xưa của ngôi đền Horyuji có từ thế kỷ thứ 7 tại cố đô Nara. Cấu trúc đền có 5 tầng làm bằng gỗ, cột trụ chính chỉ được gắn vào tầng trên cùng của đền và tách rời ra khỏi các tầng bên dưới.

TƯỜNG NGUYỄN (Pháp Luật TPHCM, Theo Le Figaro)

Trả lời