Nhiều giáo viên Nhật Bản đồng loạt khuyên người trẻ không nên theo ngành sư phạm

Đăng ngày 10/04/2021 bởi iSenpai

Nhận thấy số lượng nguyện vọng thi vào ngành sư phạm đang giảm xuống, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã quyết định kêu gọi các thầy cô giáo gửi thông điệp trên các mạng xã hội với hashtag # kyoushi no baton để truyền cảm hứng và niềm say mê nghề tới các bạn trẻ. Tuy nhiên sau khi chương trình này được lan ra, người ta chỉ thấy những phản hồi tiêu cực, sự bức xúc, chỉ trích và nỗi tuyệt vọng từ phía những người trong nghề.

Những chia sẻ này khiến người ngoài thực sự sửng sốt khi nhìn vào những mảng tối xấu xí trong môi trường giáo dục tại Nhật Bản. Đó là tình trạng chết vì làm việc quá sức, là vấn đề tăng ca. Những người giáo viên bị cuốn vào guồng quay công việc bất kể ngày đêm, dù là ở trường hay ở nhà. Dường như chính sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề lại là con dao vô hình đang dần dần giết chết họ.

Rất nhiều người đã bỏ nghề và họ chia sẻ rằng “Tôi đã hoàn thành ước mơ thuở bé là trở thành một giáo viên. Tuy chưa đầy 10 năm trong nghề nhưng tôi không tiếc dù chỉ một milimet khi bỏ nghề”, “Tôi đã bỏ nghề giáo viên. Ngày mai sẽ là một con đường mới đối với tôi”, “Năm nào cũng có người xin nghỉ vì lý do thần kinh. Cuối cùng, khi mà điều đó đã xảy ra với chính bản thân mình, tôi đã quyết định bỏ nghề”,…

Nhiều người nói rằng họ cảm thấy hối hận khi đã trở thành một giáo viên. Mặc dù trước đó, họ từng rất sung sướng khi bước vào nghề, mãn nguyện vì thực hiện được ước mơ thuở bé, nhưng cuối cùng kết thúc là sự căm ghét, mệt mỏi và chán nản. Một giáo viên nói rằng mỗi ngày, cô ấy bắt đầu công việc lúc 7 giờ 30 sáng và không bao giờ về được trước 7 giờ tối. Càng thê thảm hơn nữa, đó là, trong năm qua, khi mà các giáo viên phải bận rộn hơn vì tăng cường công tác khử khuẩn, làm video học online, thì cùng với lệnh đóng cửa trường học để phòng chống dịch lây lan, họ bị yêu cầu nghỉ phép.

Theo một cuộc khảo sát năm 2016 của Bộ Giáo dục, số giáo viên làm thêm giờ trên 20 giờ mỗi tuần là hơn 30% ở cấp tiểu học và 60% ở trung học cơ sở. Mặt khác, người ta chỉ ra rằng có gánh nặng tinh thần cũng như thời gian làm việc kéo dài là nguyên nhân dẫn đến vấn đề nghỉ việc ở giáo viên do các bệnh tâm thần tiêu biểu là trầm cảm ngày càng tăng.

Trước thực trạng tăm tối đó, cái mà người ta hi vọng là những cải cách giáo dục để tạo ra một môi trường lành mạnh hơn, để nghề giáo trở thành một công việc đáng mơ ước thực sự chứ không phải là ca ngời một cách viển vông làm hại tương lai những thế hệ sau như bộ Văn hóa định làm. Có người còn thẳng thắn nói rằng bộ Giáo dục luôn nói cải cách nhưng lại không đi liền với hành động. Bản thân là đứng ở đầu chiến tuyến, thông qua những bài đăng, các thầy cô giáo đã đề xuất một loạt các biện pháp cụ thể như thuê người quản lí hoạt động của các câu lạc bộ, trả tiền làm thêm giờ, tăng số lượng giáo viên, thuê người dọn dẹp nhà vệ sinh,…

Ở góc nhìn ngược lại có người cho rằng hoạt động của bộ Giáo dục lần này thực ra cũng là một giải pháp. Nó đã trở thành một cơ hội để các thầy cô nói lên tiếng lòng của mình, để người ta có thể nhìn nhận một cách chân thực hơn, đi đến những biện pháp giải quyết hợp lý.

Theo NHK, Asahi Shinbun

Trả lời