Nhìn lại Purikura sau hơn hai thập kỷ phát triển

Đăng ngày 27/08/2020 bởi iSenpai

Purikura (プ リ ク ラ) là dạng rút gọn của cái tên プ リ ン ト 倶 楽 部 (Purinto kurabu) hay  Print Club, một gian hàng máy chụp ảnh vô cùng quen thuộc và phổ biến tại Nhật, đặc biệt là những cô cậu học trò và những thanh niên trẻ tuổi. Không như những gian hàng chụp ảnh thông thường, những gian hàng Purikura thường phát kèm nhạc, và đặc biệt nhất là sau khi chụp, ảnh có thể được chỉnh sửa và trang trí trước khi in ra với những khung hình, sticker, hay hình vẽ do chính bạn lựa chọn. Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu của người chụp, tại một số địa điểm Purikura còn có sẵn các trang phục hóa trang hoặc đạo cụ độc đáo cho thuê. Các quầy chụp ảnh Purikura thường chứa được hai người, nhưng vẫn có một số gian đủ lớn để chứa năm hoặc sáu người.

Máy Purikura có thể được tìm thấy trên khắp Nhật Bản. Một trong những địa điểm nổi tiếng nhất là “Purikura no Mecca” ở Shibuya, Tokyo, tuy nhiên, hầu như tại mỗi Trung tâm vui chơi ở Nhật đều sẽ có ít nhất một cỗ máy Purikura đầy màu sắc.

Lịch sử của Purikura

Máy Purikura ra mắt vào năm 1995 với tên gọi là “Print Club”, là một gian hàng chụp ảnh có hình dạng tương tự những máy chơi game arcade. Purikura được phát triển bởi các công ty trò chơi Atlus và Sega có trụ sở tại Tokyo, được xây dựng dựa trên ý tưởng từ việc dán các hình dán dễ thương lên vở của những cô nàng nữ sinh Nhật Bản.

Sau khi Print Club lần đầu tiên được giới thiệu, không nhiều người thật sự quan tâm đến loại hình này. Chỉ sau khi nhóm nhạc J-Pop nổi tiếng SMAP bắt đầu tặng những bức ảnh của họ được chụp từ Print Club cho người hâm mộ, thì các gian hàng của Print Club mới bắt đầu trở nên phổ biến. Ngay sau đó, các nhóm nhạc và thần tượng khác đã nối gót SMAP và trào lưu Purikura ra đời. Đến mùa xuân năm 1998, đã có 25.000 máy Print Club trên khắp Nhật Bản. Đến năm 2002, con số đó vượt hơn 36.000 và tiếp tục tăng lên hàng năm.

Theo Yuka Kubo – một nhà nghiên cứu độc lập nghiên cứu về Purikura, sự phát triển theo thời gian của loại hình này được khái quát như sau: Các mẫu đầu tiên bắt đầu với những đường viền đáng yêu xung quanh ảnh, với một số thành phần chỉnh sửa ra mắt vào khoảng năm 1998. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được kết hợp vào năm 2003 cho phép thay đổi các đặc điểm cụ thể của người chụp, đặc biệt là đôi mắt. Trong những năm gần đây, các tùy chọn chỉnh sửa đã trở nên phức tạp hơn, cung cấp đa dạng các sắc thái để mang lại làn da hoàn hảo hoặc khuôn mặt thon gọn cho người chụp.

Và khi thời đại điện thoại thông minh và các ứng dụng cung cấp tính năng chỉnh sửa bắt đầu lên ngôi, Hikita cho biết vẫn còn chỗ cho Purikura. Theo cô, chụp ảnh selfie đẹp bằng điện thoại vẫn yêu cầu bạn cần một chút kỹ năng, nhưng với Purikura, mọi thứ đều tự động, với thiết bị và ánh sáng chuyên nghiệp, bạn sẽ có một bức ảnh được chụp ở studio.

Và như một dấu hiệu cho thấy sức hấp dẫn lâu dài của lĩnh vực này, vào tháng 7, hãng Sega đã ra thông báo sẽ giới thiệu một phiên bản mới của Purikura vào cuối năm nay, với mục tiêu “truyền bá văn hóa Purikura”.

Purikura ngày nay

Đến nay, Purikura có ở khắp mọi nơi. Không chỉ có số lượng máy phát triển theo cấp số nhân, mà các tính năng của những gian Purikura cũng ngày càng trở nên tiên tiến và đa dạng hơn trong thời đại kỹ thuật số. Purikura được yêu thích đến độ, thỉnh thoảng bạn có thể nhìn thấy một hàng dài đứng đợi chụp ảnh tại những gian Purikura nổi tiếng hay gian Purikura mới mở. Giá tiền dành cho loại dịch vụ vui nhộn này dao động chỉ từ ¥200 đến ¥500, và thường sẽ in ra hai tấm để bạn có thể chia sẻ cùng bạn bè.  

Khi Purikura tiếp tục phát triển, bước tiếp theo trong công nghệ Purikura là máy “Videkura”. Những máy này có thể tạo ra các đoạn video ngắn có thể được chỉnh sửa và sau đó được gửi qua điện thoại di động hoặc internet. Một trong những chiếc máy Videkura đầu tiên, có tên là Love & Berry, đã ra mắt lần đầu tiên tại Tokyo vào tháng 4 năm 2018.

Cách dùng Purikura

Nếu bạn đến thăm Nhật Bản, Purikura là một hoạt động vui chơi tuyệt vời đáng để thử! Bạn cũng có thể giữ những bức ảnh làm kỷ niệm.

  • Lựa chọn máy Purikura:

Có rất nhiều loại máy Purikura với mỗi máy là một phong cách riêng (ngọt ngào, dễ thương, sắc sảo, tự nhiên, gợi cảm,…) cùng các kiểu chụp khác nhau (toàn thân, bán thân, chân dung,…) và các bộ phông nền theo chủ đề khác nhau. Thông thường, các bức tường và rèm của máy Purikura sẽ có hình ảnh và lời giải thích để bạn có thể hình dung về các loại ảnh mà máy chụp.

  • Chụp ảnh:

Bắt đầu từ màn hình cảm ứng bên ngoài trước khi đi vào bên trong gian chụp, ở đây bạn sẽ phải đặt số tiền cần thiết trước khi bắt đầu. Sau khi bạn bỏ tiền vào, máy sẽ khởi động ngay lập tức, bạn sẽ phải chọn chế độ (2 người hoặc một nhóm người), chọn hình nền hoặc chủ đề và chọn cài đặt chế độ làm đẹp cho tấm ảnh.

Sau đó, chụp ảnh thôi nào! Trên màn hình, có thể sẽ có tư thế được đề xuất để bạn làm theo nếu bạn bối rối không biết nên tạo dáng thế nào. Không nhìn vào màn hình – Hãy đảm bảo rằng mình đang nhìn vào máy ảnh! Bạn sẽ có khoảng 3 – 5 giây để tạo dáng cho mỗi bức ảnh. Hãy nhớ rằng Purikura chụp rất nhanh và tất nhiên bạn sẽ không thể chụp lại.

  • Chỉnh sửa ảnh:

Ở phía bên kia của máy Purikura, đằng sau một tấm màn khác, là một màn hình lớn với 2 bút cảm ứng để bạn chỉnh sửa ảnh của mình. Thông thường, 2 người có thể chỉnh sửa cùng một lúc trên những tấm ảnh khác nhau. Trên màn hình chỉnh sửa, bạn có thể xem qua những tấm ảnh đã chụp và thêm những chữ cái, nhãn dán, tem, hình vẽ nguệch ngoạc,… lên tấm hình.

  • In ảnh:

Đây là bước cuối cùng của quá trình chụp ảnh Purikura. Trước khi in, bạn sẽ phải chọn bố cục nhãn dán (nhãn dán ảnh của bạn sẽ trông như thế nào) và số lượng bản in bạn muốn (2 người, 3-4 người hoặc một nhóm lớn hơn). Bạn cũng có thể tùy chọn gửi ảnh đến email để có thể tải xuống phiên bản kỹ thuật số. Tuy nhiên, thông thường chỉ người dùng của các mạng di động Nhật Bản như Au, Docomo hoặc Softbank mới có tùy chọn này để tải ảnh xuống.

Nguồn:
https://learnjapanese123.com/purikura-japans-massively-popular-photo-booths/
https://allabout-japan.com/en/article/6943/
https://www.thejakartapost.com/life/2020/07/30/surviving-selfies-japans-purikura-photo-booths-cling-on.html

Trả lời