Quán quân cuộc thi hùng biện Việt Nhật lần 1: Tiếng Nhật hay tiếng Việt khó?

Đăng ngày 25/05/2017 bởi iSenpai

Cùng iSenpai nghe hai quán quân Hùng biện Việt Nhật 1 chia sẻ về cuộc thi nhé!

iSenpai đã có cuộc trò chuyện hết sức thú vị với hai anh chàng quán quân cuộc thi hùng biện Việt Nhật lần 1 xoay quanh chuyện học tiếng Việt, học tiếng Nhật và cuộc sống thường ngày. Và chúng ta hãy cùng xem họ đã từng bước chinh phục hai ngôn ngữ đều nằm trong nhóm ngôn ngữ khó nhất thế giới ra sao nhé.

Tomoki Matsui – chàng trai có nhân duyên với nước Việt, sử dụng thành thạo ngôn ngữ Teen và thích ăn rau muống xào.

Gặp lại Tomoki 2 năm kể từ khi chiến thắng cuộc thi Hùng biện Việt – Nhật lần 1. Anh bạn chia sẻ rằng mình vừa trở về nước sau 1 năm du học ở Việt Nam và tiếp tục theo học năm 3 tại đại học Osaka.
Với cách nói tiếng Việt đã hết sức chuẩn xác anh chia sẻ rằng: “Thực ra nếu là cách đây 4 năm, mình không biết thủ đô của Việt Nam là ở đâu, nhưng giờ thì trót gắn bó mất rồi”. Khi đăng kí thi đại học với sở thích học ngoại ngữ, trái với phần đông các bạn chọn học ngoại ngữ là tiếng Anh, Tomoki lại quyết định chọn một ngôn ngữ hoàn toàn mới. Tomoki kể rằng những tháng ngày du học ở Việt Nam là quãng thời gian đẹp đẽ trong thời sinh viên của anh, được đi xe máy, đi nhậu, cà phê, trà chanh vỉa hè, và được đến những địa danh nổi tiếng và ăn thử nhiều món ngon Việt Nam. Với Tomoki việc lựa chọn học tiếng Việt, và yêu mến đất nước này như là nhân duyên và cậu bạn chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình.

unnamed

Tomoki và các bạn du học sinh khác cũng nhau chinh phục Fansipang.

Hồ An – chàng sinh viên tài năng cùng niềm đam mê với ngành Luật.

Hiện đang là sinh viên năm cuối trường đại học kinh tế luật Osaka. Hồ An hào hứng chia sẻ với isenpai về dự định học lên cao, chuyên sâu nghiên cứu về mảng luật phát triển, đặc biệt trong khu vực Châu Á, đi sâu vào chính sách luật lập luật trong khu vực Châu Á. Vẫn còn nguyên niềm vui khi dù ở tuần cuối cùng để đăng kí tham gia Hùng Biện Việt Nhật lần 1 mới biết thông tin và chuẩn bị gấp gáp nhưng vẫn giành chiến thắng, Hồ An lại kể về kinh nghiệm xương máu khi trong bản thảo đầu tiên bạn viết để tham gia dự thi đã bê nguyên những từ đao to búa lớn, mang tính tuyên giáo, nhưng sau khi nhờ bạn bè góp ý, chàng sinh viên năm 2 ngày ấy đã quyết định viết lại toàn bộ theo suy nghĩ của chính mình và giành vô địch.

unnamed (1)Cứ là chính mình, tỏa sáng theo tư duy của chính mình, ắt sẽ thành công.

Họ đã chinh phục ngôn ngữ như thế nào?

Chữ Kanji chướng ngại vật của hầu hết chúng ta.
Cho dù đã nhận chứng chỉ N1 cách đây vài năm nhưng Hồ An vẫn nhận định chữ Hán thì khó thật đấy, chúng ta cũng không thể nào nhớ hết được cặn kẽ từng nét của chúng nếu học đơn lẻ từng từ một, mà nên học theo bộ chữ Hán. Bởi vì, khi mà học theo bộ thì họ từ sẽ hầu hết là có cách đọc biến âm giống nhau khi kết hợp với một chữ Hán khác, cùng đó là về nét nghĩa cũng đoán được phần nào, thế là giảm tải đi một lượng đáng kể về mặt bộ nhớ. Tiếp đến là do sử dụng Hán cổ nên cách đọc âm Hán của chữ Hán sẽ tương đồng với ngữ nghĩa, quen thuộc với người Việt, do có chung nền văn hóa chữ Hán thời xưa, sẽ giúp ta phán đoán được chính xác nét nghĩa những chữ Hán mà ta đã học khi đặt trong sự tổ hợp mà tạo ra từ mới xuất hiện ta chưa gặp. Đấy là về mẹo để nhớ nhanh và nhớ được nhiều từ vựng gốc Hán.

Còn về đường dài trong việc học ngôn ngữ, việc sử dụng tiếng nhật trong cuộc sống cũng rất quan trọng, nói chuyện nhiều với người bản xứ thì sẽ nói giỏi đồng thời học thêm được nhiều từ vựng, nhưng đặc biệt muốn viết được chữ Hán và hành văn được gãy gọn khúc triết thì không có cách nào khác ngoài đọc nhiều và viết bài rồi đem nhờ thầy cô góp ý, sửa bài.

unnamed (2)
Hồ An tự tin trong phần thuyết trình bằng tiếng Nhật.

Những tháng ngày “vật vã” với Tiếng Việt.
Kể lại ngày học những từ tiếng Việt đầu tiên. Tomoki kể rằng với người Nhật phần khó nhất là phát âm nên tại khoa Tiếng Việt của đại học Osaka ngay từ khi mới vào nhập học, năm đầu tiên sinh viên chủ yếu học phát âm cho chuẩn. Anh cũng chia sẻ rằng khi du học ở Hà Nội cậu có đi dạy tiếng Nhật và thấy các bạn học sinh Việt Nam học rất nhanh nhưng cũng yếu nhất phần phát âm, do phần này vẫn chưa được chú trọng. Và việc tìm giáo trình học tiếng Việt cho người Nhật rất khó nên anh sáng tạo ra cách mua giáo trình tiếng Nhật cho người Việt về học.
unnamed (3)
Tomoki chụp ảnh cùng lớp học tiếng Nhật mà anh tham gia giảng dạy
unnamed (4)
Tomoki hào hứng tìm ảnh trong điện thoại chia sẻ cho iSenpai xem về quãng thời gian ở Việt Nam.

Hai chàng trai cùng chiến thắng một cuộc thi và cùng cả mục tiêu góp phần vào mối quan hệ Việt Nhật.

Khi được hỏi về kỉ niệm chiến thắng tại cuộc thi hùng biện Việt Nhật lớn nhất trong phạm vi Nhật Bản. Hai anh chàng đều khiêm tốn trả lời có lẽ là do may mắn nhưng cuộc thi đều mang đến cho họ những kinh nghiệm quý báu và cơ hội thể hiện bản thân gặp được những senpai giỏi, và những người bạn thú vị.

Hồ An chia sẻ rằng đến với cuộc thi anh đã học được cách đặt niềm tin vào bản thân, khi làm điều gì thì trước nhất mình phải có sự tự tin trên nền tảng nỗ lực nghiêm túc thì mọi sự mới thành được.
Còn với Tomoki anh còn ngại ngùng thú nhận đó là lần đầu tiên mình đứng trước đám đông và nhất là còn thuyết trình bằng Tiếng Việt, lúc đó mình mới chỉ là sinh viên năm 2, nhưng cũng chính nhờ cuộc thi mà mình đã mạnh dạn hơn rất nhiều để đăng kí và lại dành chiến thắng ở một cuộc thi hùng biện khác.

Khi được hỏi về bí quyết chinh phục được một ngôn ngữ mới chàng trai Osaka chia sẻ rằng để học tốt một ngôn ngữ trước hết hãy đặt ra mục tiêu của mình, vì mình thấy mối quan hệ Việt Nhật đang rất phát triển đây là cơ hội việc làm tốt cho tất cả các bạn trẻ biết cả hai thứ tiếng Nhật – Việt ngoài ra khi thành thạo một ngôn ngữ sẽ là chìa khoá để bạn có thêm những người bạn mới, biết thêm nhiều nét văn hoá mới. Mình lấy đó làm mục tiêu thì sẽ chăm chỉ học tập để sử dụng tiếng tốt thôi.

Với Hồ An thì mục tiêu chỉ “đơn giản” là xem phim không cần Vietsub, đọc báo không cần tra Google Dịch. Học ngoại ngữ cũng giống như mở cánh cửa bước vào thế giới mới. Nó không chỉ đơn thuần là việc ghi nhớ những công thức khô khan, mỗi một ngôn ngữ là đại diện cho một dân tộc, người học ngoại ngữ không đơn thuần là chỉ học ngôn ngữ mà còn am hiểu cả phông nền văn hóa của dân tộc đó, ngoài ra biết ngoại ngữ giúp ta tự mình lĩnh hội khám phá được kho tàng kiến thức của quốc gia đó, giúp mình trở nên linh hoạt hơn trong lối diễn đạt, có sự đối chiếu ngôn ngữ, và thấm thía hơn sự giàu đẹp của tiếng Việt.

Chia tay hai anh chàng hết sức tài năng và nhiều lý tưởng cao đẹp, iSenpai hi vọng qua cuộc trò chuyện này có thể truyền được phần nào cảm hứng cho các bạn trẻ hai nước trong việc chinh phục ngôn ngữ “không hề khó nếu chúng ta yêu mến ngay từ đầu”. Và biết đâu các bạn sẽ là quán quân tiếp theo của Hùng biện Việt Nhật lần 2 thì sao? Hãy xem thể lệ cuộc thi ở đây nhé!

https://docs.google.com/document/d/1lSuChrBe9AJT-iNv0bj250rKl3VIBWYNzpJKFZbrFd0/edit

Đăng kí cuộc thi tại địa chỉ sau.

https://docs.google.com/forms/d/1vv_hMWxnKKoWk71lVSqoma2Iy2NwUADNhQhNzQ6rB-A/edit

Huyền Trang

Trả lời