Rằm trung thu ở Nhật

Đăng ngày 24/08/2022 bởi iSenpai

1.Lịch sử của ngày rằm Trung thu

Từ thời cổ đại, mặt trăng đã được coi là một vị thần linh. Tuy không phải ngày 15 tháng 8 nhưng từ thời Jomon người Nhật đã có truyền thống yêu quý mặt trăng. Lễ ngắm trăng trở nên phổ biến trong giới quý tộc năm Jougan (859-877) từ Trung Quốc.

Thời ấy, người ta vừa ngắm trăng uống rượu, thả trôi thuyền trên sông ngâm thơ đánh đàn. Giới quý tộc thời bấy giờ không ngẩng đầu ngắm trăng mà ngắm hình ảnh phản chiếu của trăng trong dưới mặt nước hoặc trong ly rượu.

Lễ hội ngắm trăng ngày rằm Trung thu được phổ biến trong dân gian từ thời Edo. Không giống như giới quý tộc, họ không chỉ thưởng trăng mà lễ cúng trăng còn mang ý nghĩa lễ hội thu hoạch hay lễ hội lúa mới.

Ngày rằm Trung thu vừa lúc lúa đang lớn, chẳng mấy chốc mà đến lúc thu hoạch. Hiểu được niềm vui sướng khi bình an thu hoạch nên người dân làm lễ để cảm ơn các vị thần đã ban cho một vụ mùa bội thu.

Có một điều thú vị chưa chắc bạn đã biết, đó là không phải cứ ngày rằm là trăng sẽ tròn. Điều này là xảy ra do quỹ đạo quay của mặt trời và mặt trăng nên bắt đầu từ ngày trăng mới (tức mùng 1) thì trăng tròn sẽ xuất hiện trong khoảng từ ngày 14 đến ngày 16, do vậy ngày trăng tròn sẽ có sự thay đổi. Vì lẽ đó không phải cứ ngày 15 âm lịch là trăng sẽ tròn.

中秋の名月 hay 仲秋の名月?

Có 2 khái niệm dễ bị nhầm lẫn đó là中秋の名月 và仲秋の名月. Cả hai từ này đều có cách đọc giống nhau là “Chuushuu meigetsu”ちゅうしゅうのめいげつ tuy nhiên do chữ hán khác nhau nên ý nghĩa cũng có sự khác nhau.

Theo âm lịch, mùa thu gồm các tháng 7, 8, 9. Tháng 7 là đầu thu, tháng 8 là giữa thu, tháng 9 là cuối thu. Do vậy 仲秋 sẽ chỉ tháng 8 giữa thu, còn ngày 仲秋の名月 tức chỉ ngày trăng tròn của tháng 8.

Từ 中秋の名月 tức là ngày chính giữa của mùa thu, tương đương ngày 15 tháng 8. Vì vậy khi nói tới中秋の名月 tức là đang nói tới ngày 15 tháng 8, còn khi nói tới đêm rằm thì thường được hiểu là ngày rằm Trung thu.

Đêm 13, đêm mùng 10 là gì?

Ngày rằm trung thu được cho là lúc mặt trăng sáng đẹp nhất nhưng bạn có biết ngày 13 và ngày mùng 10 người Nhật cũng tổ chức lễ ngắm trăng đấy. Ngày rằm Trung thu là phong tục của Trung Quốc được truyền vào Nhật Bản nhưng hai ngày 13 và ngày mùng 10 là phong tục độc đáo của riêng Nhật Bản, do chính người Nhật tạo ra.

Đêm mười ba十三夜

Sau ngày rằm tháng trung thu, người Nhật còn tổ chức hội ngắm trăng vào ngày  13 tháng 9 âm lịch. Ngày 13 trăng hơi khuyết nhưng thời tiết lúc này thường hay có nắng nên bầu trời trong vắt, mặt trăng diễm lệ xuất hiện trên bầu trời. Nếu chỉ làm lễ một trong hai ngày rằm tháng tám hoặc ngày 13 tháng 9 được coi là một điềm không may mắn, được gọi là「片見月」.

Ngoài ra, ngày 13 người ta thường cúng hạt dẻ và đậu tương nên ngày này cũng được gọi là Hạt dẻ trăng rằm, hay đậu trăng rằm. Cũng giống như ngày rằm Trung thu, ngày 13 được tính theo lịch âm nên tương ứng với dương lịch mỗi năm sẽ là ngày khác nhau.

Đêm mùng 10

Đêm mùng 10 là lễ hội được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 âm lịch, được tổ chức nhiều ở các tỉnh phía đông Nhật Bản. Phía tây Nhật Bản cũng tổ chức lễ hội với ý nghĩa tương đương nhưng thường vào ngày 11.

Đây được coi là ngày mà thần Đồng ruộng trờ về rừng. Lúc này người ta sẽ ăn bánh mochi để mừng vụ thu hoạch, hay đập những khẩu súng được bện từ rơm xuống mặt đất vừa cầu nguyện, vừa để cổ vũ thần Đất, vừa để đuổi lũ chuột chũi phá hoại mùa màng.  Ngoài ra, người ta còn có những vật phẩm cúng cho những chú bù nhìn đã luôn chăm chỉ bảo vệ đồng ruộng, còn có những nơi cho bù nhìn tham gia vào lễ cúng trăng nữa đấy.

2. Đồ cúng trong lễ cúng trăng

Bông lau

Một vật không thể thiếu trong lễ trông trăng đó là bông lau. Lau lau là một trong 7 loại hoa của mùa thu. Những bông lau được cho rằng là nơi mà thần Trăng trú ngụ. Vốn dĩ nơi trú ngụ của thần Trăng là bông lúa, nhưng vào thời điểm của lễ trông trăng thì lúa đã được thu hoạch hết, nên người ta dùng bông lau có hình dạng giống với bông lúa để cúng dâng lên thần Trăng.

Thêm vào đó, lá của bông lau dài và sắc tựa như lưỡi kiếm nên còn có tác dụng trừ tà. Vậy nên vào nếu treo những bông lau đã cúng lễ trông trăng lên trước hiên nhà thì sẽ xua đuổi được bệnh tật trong năm ấy.

Bánh Tsukimi dango

Giống như người Việt Nam ăn bánh Trung thu vào mỗi dịp rằm tháng 8, người Nhật cũng ăn bánh Tsukimi dango mỗi dịp rằm Trung thu. Khởi nguồn của bánh Tsukimi dango bắt đầu từ thời Edo, những chiếc bánh dango được làm từ bột gạo với mong muốn cầu mong vụ mùa bội thu, còn ngày 13, người Nhật dâng bánh lên để cảm ơn sự ban phước của thần linh.

Những chiếc bánh dango trắng trẻo tròn trịa tựa như vầng trăng rằm không chỉ dùng để thể hiện lòng cảm ơn mà còn tượng trưng cho thành quả, sức khỏe và sự hạnh phúc. Người ta còn cho rằng ăn những chiếc bánh dango sau lễ cúng trăng thì sẽ có được sức khỏe và sự hạnh phúc.

Có 2 cách để chọn số bánh dango bày cúng: cách thứ nhất dựa vào số ngày làm lễ, nếu là ngày rằm trung thu thì số lượng sẽ là 15, nếu là lễ trông trăng ngày 13 thì số lượng sẽ là 13 chiếc. Cách thứ hai là dựa theo số tháng trong năm, nếu không nhuận là số lượng là 12, nếu nhuận số lượng là 13.

Những chiếc bánh sẽ được xếp trên một khay gỗ theo hình tháp. Theo người Nhật, chiếc bánh dango trên cùng chính là chiếc cầu nối giữa thế giới hiện thực và thế giới tâm linh.

Nông sản

Người Nhật bày những nông sản vừa được thu hoạch như khoai lang, hạt dẻ, đậu tương… dâng lên thần linh để cảm tạ một vụ mùa bội thu. Trong số đó khoai lang được coi là đồ cúng phổ biến nhất, và còn được đặt tên là “Khoai lang trung thu”hay “khoai rằm tháng 8”.

Ngoài ra, người ta tin rằng nếu bày đồ cúng là những trái cây có vỏ nhẵn như nho thì sự liên kết với thần Trăng sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.

Phong tục đặc trưng từng vùng

Không chỉ đồ cúng, từng vùng miền còn có những phong tục đặc sắc mà không đâu có, mà được nhắc đến nhiều nhất là “Trộm đêm rằm”. Phong tục này tức là, riêng ngày rằm tháng 8, người ta có thể tùy ý lấy đi đồ cúng mà không bị trách cứ. Ví dụ như ở tỉnh Nagasaki, phong tục này được gọi là “Manndakana”, trẻ con có thể tùy ý lấy đi đồ cúng của các nhà trong vùng.

Ngoài ra, ở tỉnh Akita, quận Senboku phong tục này được gọi là Một chân- “Kataashi gomen” (⽚⾜), bạn được phép tự do lấy đồ cúng tuy nhiên chỉ được đặt 1 chân vào trong nhà.

3. Cách bày mâm cúng trăng trong tín ngưỡng người Nhật

Mâm bày bánh dango là một chiếc mâm gỗ đặc biệt 4 mặt, 3 mặt mỗi mặt có một lỗ tròn, chuyên dùng trong các lễ thần đạo để dâng đồ cúng lên thần linh. 

Vị trí bày mâm cúng

Mâm cúng có thể được bày ở bên hiên nhà hay dưới sàn, nhưng phải đặt ở nơi có thể nhìn thấy mặt trăng. Ngày nay, người Nhật thường làm trong phòng khách, đặt đồ lễ trên một chiếc bàn hơi cao một chút.

Bài trí mâm cúng

Mâm cúng được chia làm hai bên trái và phải, bên trái phải cao hơn bên phải. Nhìn từ phía ông trăng, thì bên trái sẽ gồm những vật phẩm của thiên nhiên (bông lau, hoa, hoa quả, rau củ), bên phải là những vật phẩm của con người( bánh trung thu, rượu), và bên trái phải cao hơn bên phải. Mặt không có lỗ của mâm đựng bánh trung thu sẽ hướng về phía mặt trăng.

Bây giờ bạn biết tất tần tật về lễ cúng trăng vào dịp rằm Trung thu của người Nhật rồi!

Tham khảo: https://fukiyose16.com/1688.html

https://www.enjoytokyo.jp/feature/matsuri/autumn/tsukimi/?__ngt__=TT0fc05705c002ac1e4ae1f1GOZ7aa19kfCIQZ18zW4Aa5

Trả lời