Sự hoài nghi từ quá khứ làm chậm Nhật trong cuộc đua vaccine

Đăng ngày 31/07/2021 bởi iSenpai

Theo CNN, những bê bối về tiêm chủng trong quá khứ khiến người dân Nhật không dễ tin tưởng về vaccine, nguyên nhân khiến chính phủ trở nên thận trọng trong phê duyệt và phân phối vaccine Covid.

Trước Olympic, Nhật Bản đã nỗ lực tăng tốc tiêm chủng nhưng vẫn tụt hậu so với các quốc gia phát triển khác. Hiện hơn 38% người Nhật đã tiêm ít nhất một mũi, so với 71% của Canada, 69% của Anh, 61% của Đức và 57% của Mỹ, theo Our World In Data.

“Nếu Nhật Bản triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 sớm hơn vài tháng thì họ đã có thể ngăn dịch bệnh lây lan và cho khán giả vào xem Olympic”, Kenji Shibuya, cựu quan chức WHO cho biết. “Nhưng giờ họ ở trong tình trạng khẩn cấp với tỷ lệ phủ vaccine thấp, trong khi biến thể Delta đang khiến ca nhiễm tăng trở lại”.

Mất đến 6 tuần để Nhật Bản phê duyệt vaccine của Pfizer dù hiệu quả thử nghiệm lâm sàng là 95%. Tuy nhiên đây đã là một ngoại lệ đáng kể khi quá trình thông thường kéo dài từ 1 tới 2 năm.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet, dưới 30% người Nhật tin tưởng vaccine an toàn, hiệu quả và cần thiết. Con số này ở Mỹ là 50%. Tình trạng phản đối vaccine ở Nhật bắt đầu từ những năm 1970 sau vụ việc hai trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 24 giờ kể từ khi tiêm phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà. Vaccine này ngay lập tức bị đình chỉ nhưng niềm tin của người dân đã bị xói mòn khi vài năm sau, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em giảm, số ca nhiễm ho gà gia tăng.

Vào thập niên 1980, một số vaccine sởi, quai bị và rubella (MMR) do Nhật Bản sản xuất gây bệnh viêm màng não vô khuẩn hoặc sưng màng quanh não và tủy sống. Bê bối này dẫn tới nhiều vụ kiện và các khoản bồi thường nặng nề. Cùng với đó là niềm tin của công chúng tiếp tục sụt giảm. Trong suốt 15 năm không có loại vaccine nào được phê duyệt tại Nhật.

Năm 2013, Nhật Bản bổ sung vaccine ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) vào chiến dịch tiêm chủng quốc gia nhưng các video về việc người tiêm chủng gặp phản ứng phụ bắt đầu lan truyền trên mạng. Giới chức Nhật Bản sau đó lại loại bỏ vaccine khỏi chương trình. Dù cho việc điều tra sau đó cho thấy vaccine không gây tác dụng phụ nghiêm trọng thì số trẻ em nữ tiêm chủng vaccine này đã tụt từ 70% xuống 1%, theo Lancet. Nghiên cứu ước tính rằng nếu không thay đổi, Nhật Bản sẽ bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa được 11.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung trong vòng 50 năm tới.

Nhà nhân chủng học Heidi Larson, giám đốc Dự Án Niềm tin Vaccine tại London, cho biết về vấn đề tiêm vaccine HPV: “Đây là năm thứ tám chính phủ Nhật Bản nói nếu người dân yêu cầu thì họ sẽ cung cấp nhưng sẽ không chủ động đề xuất. Đó là cách tiếp cận không rõ ràng khiến công chúng do dự và nghi ngờ. Nếu chính phủ không quảng bá, mọi người sẽ nghĩ rằng có điều gì đó không ổn”.

Năm 2016, một nhóm cố vấn của Bộ Y tế cảnh báo rằng Nhật Bản hiện không được chuẩn bị ứng phó nếu có một đại dịch bùng phát. Báo cáo của họ cho thấy ngành công nghiệp dược phẩm của Nhật Bản là không đủ tính cạnh tranh và họ đặt câu hỏi liệu Nhật Bản có thể phát triển vaccine cho người dân hay không và nhấn mạnh đến rủi ro của việc mua vaccine từ nước ngoài trong thời kỳ khủng hoảng.

Shibuya, một trong những tác giả của báo cáo, đã ví ngành dược phẩm của Nhật Bản giống như ngành tài chính trước khi sụp đổ năm 1991. “Rất nhiều công ty thiếu khả năng cạnh tranh nhưung được chính phủ trợ cấp nhiều, Nhật Bản thiếu các công ty dược ở quy mô toàn cầu”. Đánh giá của ông đã dự đoán đúng tình hình 5 năm sau đó. Các công ty dược phẩm Nhật Bản thiếu nguồn lực và kinh phí để cạnh tranh với các đối thủ quốc tế và Nhật Bản buộc phải mua vaccine từ nước ngoài.

Tuy nhiên theo giáo sư Shoji Tsuchida của Đại học Kansai,dù người Nhật thiếu lòng tin vào vaccine nhưng họ không chống lại vaccine (antivax). Đơn giản là họ sợ các phản ứng phụ có thể xảy ra.

Để trấn an công chúng về vaccine Covid, một nhóm các bác sĩ bao gồm Yujji Yumada đã đã khởi động chiến dịch truyền thông, khuyến khích người dân chủ động đăng ký nhận vaccine. Linh vật của chương trình là chú chó Shiba Corowan, một chatbot trí tuệ nhận tạo giải đáp các câu hỏi liên quan đến tiêm chủng.

Họ thực hiện chiến dịch quảng cáo để chống lại những tin đồn trên mạng xã hội và chia sẻ kinh nghiệm từ nước ngoài.  Điều này dấy lên hi vọng người dân Nhật sẽ bớt cái nhìn hoài nghi đối với vaccine Covid, điều kiện quan trọng để kiểm soát dịch bệnh ở quốc gia này.

Yumada và các đồng nghiệp đã nghiên cứu hiệu quả của Corowa-kun trong suốt mùa xuân. Hơn 10.000 người đã phản hồi cuộc khảo sát. “Trước khi sử dụng ứng dụng, tỷ lệ tin cậy vào tiêm chủng của người dùng là 59%”, Yumada nói. “Nhưng sau khi sử dụng ứng dụng này, 80% người dùng rất tin tưởng vào vaccine”.

Theo VnExpress, CNN, Yahoo Sport

Trả lời