Tầng lớp trung lưu Nhật Bản gặp khó khăn trong dịch Covid

Đăng ngày 03/01/2021 bởi iSenpai

Ngày càng nhiều người có mức sống trung bình ở Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, thậm chí họ còn đang đứng trước nguy cơ mất việc. Saito (40 tuổi, tên giả trong bài báo của Japan Times) là một ví dụ. Anh đang làm việc trong ngành bất động sản với thu nhập của anh là khoảng 6 triệu yen /năm, chưa kể tiền thưởng. Mức lương đó đồng nghĩa với việc anh phải làm thêm chừng 80h trong một tháng. Từ khi Covid bùng nổ, anh không thể làm thêm nhiều như trước và làm ở nhà nhiều hơn, thu nhập của anh tụt xuống còn khoảng 4 triệu yên trong năm nay. Saito trở nên khó khăn để thanh toán các khoản vay mua nhà cũng như tiền học phí của con cái.

Đáng ngạc nhiên là là khoảng 92% người Nhật Bản tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu, theo như một báo cáo của Bộ Lao động Nhật Bản công bố vào năm 2019. Con số này dường như mâu thuẫn với thực tế là gần 40% lực lượng lao động nước này làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, tức là có thu nhập thấp hơn hơn và dễ bị sa thải hơn nhân viên chính thức.

Tuy nhiên, theo Japan Times dù tỷ lệ tầng lớp trung lưu Nhật Bản trên thực tế là bao nhiêu đi chăng nữa thì con số đó cũng đang giảm dần. Việc tăng số lượng lao động bán thời gian cũng là một nguyên nhân gây nên hiện tượng này bên cạnh Covid. Nhiều công ty Nhật Bản đã bắt đầu chuyển từ việc sử dụng nhân viên chính thức sang lao động bán thời gian. Việc này giúp họ giảm được nhiều các gánh nặng về chi phí an sinh xã hội cho các nhân viên chính thức vốn có nhiều đặc quyền trọn đời.

Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê Nhật Bản, số lượng nhân viên bán thời gian ở Nhật đã tăng 2,1% trong năm 2019, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,5% ở mảng nhân viên toàn thời gian.

Một ví dụ khác là Minan Hirakawa (38 tuổi) bước vào năm 2020, người đã bước vào năm 2020 với tâm thế háo hức. Chồng cô làm trong ngành tài chính và có thu nhập 7 triệu yen một năm. Với mức thu nhập đó, cô quyết định cho con gái học trường tư .Nhưng rồi Covid-19 ập đến, thu nhập của chồng cô chỉ còn 5,5 triệu yen trong khi học phí cho năm đầu tiên của con gái là 850.000 yen. Hirakawa vẫn quyết định đánh cược bằng cách cho con đi học theo kế hoạch trước đó. Vợ chồng cô chuyển tới một căn hộ tồi tàn hơn để tiết kiệm tiền tiêu, bán bớt các món đồ quý giá trong nhà như túi xách hay đồ chơi golf. Cô quay trở lại làm việc sau 8 năm và cố gắng học lại những kỹ năng làm việc cơ bản.

Giống như nhưng gia đình trung lưu khác, cô chăm chỉ làm việc và hy vọng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc để có thể dành nhiều thời gian hơn cho con gái.

Theo Japan Times, Spa, Zing News

Trả lời