Tham nhũng và ODA

Đăng ngày 06/04/2015 bởi iSenpai

Những con số về hiệu quả mà vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) mang lại không khỏa lấp được nỗi buồn, hay nói đúng hơn là sự cay đắng khi nghe phát biểu của ông Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại VN hôm 1.4: Nếu còn một vụ tham nhũng nào nữa xảy ra, Nhật Bản sẽ ngừng cấp ODA cho VN.

1

Nó giống như một lời đe dọa, khi mà VN đang là quốc gia đứng đầu cả về số lượng và tổng kinh phí trong các quốc gia nhận viện trợ trên thế giới mà JICA đang hỗ trợ. Nhưng nếu nhìn lại 3 vụ tham nhũng lớn liên quan đến nguồn vốn ODA Nhật Bản (PMU18 vào năm 2006, Đại lộ Đông – Tây vào năm 2008, và vụ JTC hối lộ các quan chức đường sắt VN mới đây) sẽ thấy lời đe dọa ấy hoàn toàn có căn cứ và cần thiết.
ODA hiện nay đang được dành nhiều nhất cho các quốc gia Nam Á và châu Phi, trong đó VN là một trong những quốc gia được ưu tiên. Việc sử dụng ODA ở VN đã tạo ra những hiệu quả rõ rệt và đầy ấn tượng trong việc duy trì nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ tính bền vững của quá trình tăng trưởng kinh tế cao sau khi việc cấp vốn ODA không còn nữa (các nguồn vốn ODA có thể sẽ giảm cơ bản và tiến tới cắt hoàn toàn sau khi GDP/đầu người của các quốc gia nhận tài trợ đạt 1.000 USD). Mặc dù đã giải ngân với số vốn khoảng 22 tỉ USD, nhưng cho đến nay VN hầu như chưa có công trình hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Vụ PMU18 năm 2006, lần đầu tiên tố giác cho xã hội và cả cộng đồng các nhà tài trợ tại VN những điều hết sức bất ngờ, đó là ODA được phân bổ vô nguyên tắc và thiếu định hướng. Tâm lý coi ODA là “tiền chùa” (quà tặng) để cứ việc tiêu xài và chia chác khá phổ biến.
Tại diễn đàn QH gần đây, các ĐBQH nói nhiều về cơ chế quản lý và sử dụng ODA, cũng như đầu tư công có nhiều kẽ hở. Chuyện một công ty cổ phần ở Đà Nẵng từ chối vay vốn ODA cho một dự án mở rộng cảng vì lý do “vay rồi trả nợ chết luôn”, chỉ ra ODA (trong bài toán kinh tế của các nhà đầu tư tư nhân) không phải là nguồn vốn “ngon ăn” (như cách mà đầu tư công đang sử dụng). Và đã đến lúc chúng ta phải tìm kiếm những nguồn vốn khác để “tốt nghiệp ODA”, vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng.
Có lý do khi chính Trưởng đại diện JICA tại VN cũng phát biểu, phụ thuộc vào nguồn ODA là một “thất bại” của VN. Và rằng: “VN chỉ nên sử dụng vốn ODA khi cần thi công những công trình đòi hỏi công nghệ cao, yêu cầu sự tham gia của các nhà thầu Nhật Bản. Đó mới là cách sử dụng vốn ODA khôn ngoan”.
An Nguyên

Trả lời