Tham vọng điều quân Nhật Bản đối mặt thách thức

Đăng ngày 25/06/2015 bởi iSenpai

Ngày 24/6, khoảng 30.000 người biểu tình đã vây quanh trụ sở Quốc hội Nhật Bản để phản đối mạnh mẽ những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc thúc đẩy gói dự luật an ninh cũng như kéo dài kỳ họp Quốc hội.

Theo kế hoạch, kỳ họp Quốc hội hiện tại sẽ kết thúc vào ngày 24/6. Tuy nhiên để ban hành gói dự luật an ninh gây tranh cãi này, Thủ tướng Abe, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), và ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch đảng Komeito thuộc liên minh cầm quyền, ngày 22/6 đã quyết định kéo dài kỳ họp Quốc hội thêm 95 ngày đến ngày 27/9 – đợt gia hạn dài nhất trong lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến.

Tham vong dieu quan Nhat Ban doi mat thach thuc
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Trước động thái này, những người biểu tình đã yêu cầu kỳ họp Quốc hội phải kết thúc ngay lập tức và hô vang các khẩu hiệu như “rút lại dự luật an ninh”, “ông Abe hãy từ chức”. Một số lãnh đạo các đảng đối lập cũng tham gia cuộc biểu tình hôm 24/6.

Thủ tướng Abe muốn đặt nền tảng pháp lý cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) để thực hiện quyền phòng vệ tập thể thông qua gói dự luật an ninh mới, song Hiến pháp Nhật Bản lại cấm nước này bảo vệ các quốc gia khác, tức quyền phòng vệ tập thể.

Kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy 81,4% người dân Nhật Bản phản đối gói dự luật an ninh do chính phủ đề xuất, trong khi chỉ có 14,2% người ủng hộ.

Tuần trước, một cuộc thăm dò ý kiến các nhà nghiên cứu hiến pháp cho thấy khoảng 98% trong số 149 chuyên gia nói rằng những dự luật an ninh trên vi phạm hiến pháp từ bỏ chiến tranh của Nhật Bản.

Hiến pháp này cấm SDF thực hiện quyền phòng vệ tập thể.

Nhưng theo gói dự luật an ninh đang được thảo luận, SDF có thể được triển khai đến mọi nơi trên thế giới để tham gia các cuộc xung đột vũ trang trong khuôn khổ phòng vệ tập thể cho dù Nhật Bản không bị tấn công.

Tham vong dieu quan Nhat Ban doi mat thach thuc
Một cuộc biểu tình trước Quốc hội Nhật Bản hôm 24/5 phản đối căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa

Trong khi đó, báo chí Nhật Bản cũng lên tiếng chỉ trích chính quyền của ông Abe. Nổi bật là bài xã luận của tờ “Mainichi” ngày 25/6.

Theo tờ báo này, dự luật an ninh mà ông Abe đang muốn thúc đẩy là “vi phạm hiến pháp”, còn chính phủ thì không trả lời thẳng thắn được vấn đề mang tính bản chất và cách trả lời cũng liên tục thay đổi.

Tại Ủy ban Ngân sách Thượng viện, Thủ tướng Abe lập luận: “Việc khăng khăng với cách hiểu lâu nay đối với Hiến pháp và làm ngơ trước tình hình quốc tế là rũ bỏ trách nhiệm của một chính trị gia”.

Tuy nhiên, việc coi trọng tính hợp lý về lý luận đối với cách hiểu lâu nay về Hiến pháp là lẽ đương nhiên nên điều đó không có nghĩa là những người phản đối dự luật đang làm ngơ với tình hình quốc tế hiện nay.

Quan điểm của Chính phủ Nhật Bản năm 1972 đã được Tokyo lấy làm căn cứ cho việc thay đổi cách hiểu của Hiến pháp không cấm “các biện pháp phòng vệ”, nhưng những biện pháp này chỉ nên nằm trong một giới hạn tối thiểu và việc thực thi quyền phòng vệ tập thể là không được phép.

Theo cách hiểu mới về Hiến pháp, Tokyo áp dụng cách lập luận đó nhưng lại cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể như là một kết luận sau cùng với lý do “môi trường an ninh đã có thay đổi về cơ bản”.

Tham vong dieu quan Nhat Ban doi mat thach thuc
Máy bay P-3C của SDF hạ cánh xuống một sân bay ở Philippines trong cuộc tập trận chung giữa hai nước

Nếu chấp nhận việc thay đổi cách hiểu một cách tùy tiện như vậy, tính quy phạm của Hiến pháp có hể bị phá vỡ và người dân sẽ không còn tin tưởng vào Hiến pháp. Nếu không đạt được sự hợp lý về mặt lý luận thì cần phải hỏi người dân về khả năng có cần sửa đổi Hiến pháp hay không.

Báo “Mainichi” cho rằng người dân Nhật Bản không phủ nhận việc phải xem xét lại vấn đề pháp chế sao cho phù hợp với môi trường an ninh hiện nay. Sự suy giảm sức mạnh của Mỹ và căng thẳng với Trung Quốc xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku đang tiếp diễn, nên có thể hiểu được nỗi bất an của người dân Nhật Bản đang gia tăng.

Tuy nhiên, tờ báo này cho rằng việc bảo vệ quần đảo Senkaku có thể xử lý bằng quyền phòng vệ riêng rẽ và Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ.

Thái Phong (theo baodatviet.vn)

Trả lời