Tiếng Nhật và những điều bạn không học ở trường (Phần 2 – kỳ 1)

Đăng ngày 21/02/2015 bởi Phạm Văn

Tham khảo phần 1: Tiếng Nhật và những điều bạn không học ở trường

Phần 2: Tiếng Nhật cổ và những dấu ấn của nó trong tiếng Nhật hiện đại

Kỳ 1: Những dấu ấn rõ nét nhất

Cũng như rất nhiều thứ ngôn ngữ khác, tiếng Nhật – từ phiên bản cổ đại của nó – cũng đã trải qua một quá trình biến đổi từ từ và chậm chạp để trở thành tiếng Nhật hiện đại chúng ta dùng ngày nay. Tuy nhiên, không như các thứ tiếng khác chỉ thay đổi về từ vựng hay cách nói thông dụng, tiếng Nhật thay đổi nhiều về mặt ngữ pháp đến mức mà một câu kể cả khi dịch hết từ vựng và cách nói ra từ ngữ tương ứng trong văn hiện đại, ý nghĩa của câu đó vẫn… hết sức mông lung. Tuy nhiên, là những con người của thời hiện đại, chúng ta hãy bỏ lại sau lưng tiếng Nhật cổ cho những nghệ nhân Kabuki, kịch Noh và cho các nhà nghiên cứu, mà hãy chỉ đề cập đến nó như một sự giải thích cho những hiện tượng ngữ pháp – và đặc biệt là các “thể bất quy tắc” trong tiếng Nhật hiện đại.

1. -ず và các thể chia động/tính từ trong tiếng Nhật
Nói đến điểm chung về ngữ pháp giữa tiếng Nhật cổ và tiếng Nhật hiện đại, không thể không nhắc tới -ず. Hay nói đúng hơn, cũng không thể nói -ず là một cách nói cổ, nó vẫn được dùng từ thời xa xưa đến giờ, chỉ là một phần cách sử dụng của nó đã được thay thế bằng -ない.

Trước khi nói rõ hơn về -ず, có một điểm nho nhỏ về tiếng Nhật cổ mà bạn nên biết: Khi dùng động từ hoặc tính từ để bổ nghĩa cho danh từ, bạn dùng một thể của động/tính từ đó (連体形) và khi dùng động từ hoặc tính từ đó để kết thúc câu, bạn dùng một thể khác của động/tính từ đó (終止形). Ví dụ:

translate

Khi học tiếng Nhật, bạn đã biết về rất nhiều thể chia của động từ như: 普通形, ない形, ます形, 条件形, 使役形, 可能形, 意志形, … Bạn đã bao giờ từng thử hỏi người Nhật MÀ KHÔNG PHẢI LÀ GIÁO VIÊN TIẾNG NHẬT về những thể này? Những bạn đã từng thử rồi có thể làm chứng cho tôi: Những người Nhật không phải giáo viên, thậm chí hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của những cái tên trên trong tiếng Nhật. Những bạn chưa từng thử, thì bộ gõ tiếng Nhật của các bạn có thể làm chứng cho tôi: những cái tên đó bạn phải bấm cách vài lần mới hiện ra đúng được. Những thể chia và cách chia động từ, tính từ như vậy chỉ là sản phẩm của một phương pháp dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài, còn bản thân người Nhật được học (như trong các giờ như kiểu “Ngữ văn” của mình) rằng trong ngôn ngữ của họ chỉ có 6 thể chia: 未然形, 連用形, 終止形, 連体形, 已然形/仮定形, 命令形. Nếu gặp một người Nhật có hứng thú với môn ngữ văn, bạn hãy thử xác nhận điều trên và hỏi họ rõ hơn về những thể này nhé, nhớ đừng ngủ khi họ đang giải thích. Hoặc bạn cũng có thể tra wiki để biết thêm chi tiết.

-ず vốn là thể 連用形, có nghĩa là bạn có thể dùng -ず để ngắt đoạn trong câu. Trước đây nó cũng là 終止形, tức là bạn có thể dùng nó để kết thúc câu, nhưng ngày nay cách dùng đó đã mai một, và -ない đã thay thế cách dùng này của -ず. Còn -ず không phải là 連体形 nên nó không thể bổ nghĩa cho danh từ như -ない (tức là bạn có thể nói 見えないもの nhưng không thể nói ×見えずもの), thể 連体形 tương ứng của nó là -ざる. Bây giờ chúng ta hãy cùng mổ xẻ chữ ざる này.

2. -ざる
Trong tiếng Nhật hiện đại -ざる xuất hiện trong hiện tượng ngữ pháp sau:
ざるを得ない (VD trong câu 彼女と分かれたのも、せざるを得ないことだ。結婚しようと言われたけど、妻がいるから、断らざるを得ない。) mang nghĩa: không thể không…

Như các bạn có thể thấy, đây là một trong những “thể bất quy tắc” mà tôi đã gọi tên lúc đầu. Còn ở đâu khác trong quyển sách giáo khoa của bạn mà bạn có thể thấy る và を đi sát vào nhau thế này? Lý do là vì, trong tiếng Nhật thời trước, không chỉ có danh từ mà cả động từ hay tính từ cũng có thể làm tân ngữ. Để hiểu ý nghĩa của cách nói đó, ta thêm もの hoặc こと vào sau động hay tính từ đó – trong trường hợp này sẽ là こと:
せざるを得ない = せざることを得ない
Dịch từng chữ: “không làm” là không thể –> dịch nghĩa tương đương: “Không thể không làm”.

3. やむを
Nói đến hiện tượng động từ được dùng làm tân ngữ, lại không thể không nói đến hiện tượng ngữ pháp sau:
やむを得ない (VD trong câu: 彼女が、結婚してくれないと自殺するからと言っているので、妻と離婚するのもやむをえないことだ) mang nghĩa: Không thể tránh khỏi…, không thể không…

Ở đây やむ là cách nói cổ của やめる, từ đó bạn có thể dịch nghĩa đen của cách nói này giống cách nói ở trên. Khi đi xe buýt tôi đã từng nghe tiếng phát thanh thu sẵn và tự hỏi tại sao người ta lại nói gì như ヤモエズ・・・ご注意ください. Sau này mới hiểu nó là やむをえず,、急停車することがありますので・・・ご注意ください: “Sẽ có lúc xe sẽ phải phanh gấp không thể đừng được, … vì thế nên xin quý khách hãy chú ý”.

4. 得る
Nói đến 得る, đây cũng lại là một trường hợp bất quy tắc trong tiếng Nhật nữa. 得る có nghĩa là “đạt được”, “giành được”, “lấy được” khi đứng một mình, và khi đi sau ます形 – mà người Nhật sẽ gọi là 連用形 – thì mang nghĩa “tất cả… có thể”, “tất cả… khả dĩ”, mà ví dụ được dùng nhiều nhất là “あり得る”: nghĩa đen “Tất cả những thứ có thể tồn tại được”, nghĩa thông dụng “tất cả”. Trong tiếng Nhật hiện đại, tất cả các động từ được chia thành 6 loại (*). Loại thứ 6 chỉ gồm 1 động từ duy nhất, đó là する. Loại thứ 5 chỉ gồm 1 động từ duy nhất, đó là 来る. Và loại thứ 4 chỉ gồm 1 động từ duy nhất, đó là 得る. Điểm duy nhất mà nó khác với những động từ khác, thực ra là rất nhỏ, đó là: khi nó hoặc thể kết hợp của nó bổ nghĩa cho danh từ:
あり得る所で探したところ、結局見つからなかった。 (Tôi đã tìm tất cả mọi nơi có thể rồi, nhưng vẫn không thấy)
nó sẽ được đọc theo cách khác. Cụ thể:
Trong trường hợp trên 得 trong あり得る CÓ THỂ ĐỌC LÀ う, tức là あり得る đọc là ありうる. Ngoài ra trong tất cả các thể chia khác 得 luôn đọc là え – có nghĩa là 得る được chia vào 1 loại riêng biệt chỉ vì một sự khác biệt nhỏ li ti soi kính hiển vi mới thấy. Để giải thích cho hiện tượng này thì sẽ khá là dài dòng, tôi xin tỉnh lược phần giải thích ở mục này, nhưng nói ngắn gọn thì nguyên nhân cũng chính là do cách dùng động từ trong quá khứ khác với bây giờ, tương tự như やめる khi chia ở thể 連体形 (thể bổ nghĩa cho danh từ) sẽ bị biến đổi thành やむ.

(*) Tham khảo tại đây

5. べき và 同じ
Tiếp theo sẽ là lần thứ tư mà tôi bắt đầu đoạn văn bằng chữ “nói đến”, tôi biết, nhưng tôi sẽ vẫn dùng chữ đấy.

Nói đến việc bổ nghĩa cho danh từ, tôi chia tiếng Nhật ra 5 loại từ có thể bổ nghĩa cho danh từ:

  • Thể thông thường + Danh từ (若いひと、若くない人、若かった人、若くなかった人、若く見える人、若く見えない人、若くなりたがる人、…)
  • Tính từ Na + な + Danh từ
  • べき + Danh từ (ví dụ: やめるべきことがない: chẳng có việc gì nên bỏ hết)
  • 同じ + Danh từ
  • Những cái khác + Danh từ

Chắc hẳn bạn đang tự hỏi, những cái khác ở đây là gì, nhưng bạn yên tâm, tôi sẽ cho bạn câu trả lời sau. Trước tiên hãy nhìn べき. Khi đọc các ví dụ với べきだ, べきではない, hẳn bạn sẽ nghĩ đây là tính từ Na. Nhưng べき lại không bao giờ có Na ở sau cả, và tính từ Na cũng không thể đi sau động từ như べき. Tương tự với 同じ: 同じだ, 同じではない, nhưng không bao giờ ×同じなこと, tuy là 同じ thì cũng không đi sau động từ. Lý do thì – xin lỗi các bạn, tôi cũng chỉ có thể nói là lý do quá dài, nói tóm gọn lại thì đây là những cách nói cổ. Còn nếu bạn hỏi thế tóm lại nó là tính từ hay là gì, thì tôi có thể trả lời べき và じ là các trợ động từ (không phải trợ từ nhé) – tức là giống như だ, です, ます, られる, させる, よう, …

6. Tính từ đuôi き
Và sau đây tôi xin trình bày về “những cái khác”. Nếu bạn đã từng tìm kiếm mẫu câu 年賀状 hay 暑中見舞い hay đơn giản là 挨拶 chắc hẳn đã từng thấy những câu mà nhìn như kiểu đánh máy sai:
暑さ厳しき折・・・
良き新年を迎えること・・・
幸多き年となりますように・・・

Nhưng khi nhìn thấy quá nhiều chỗ như thế rồi chắc bạn sẽ nhận ra, không phải là họ đánh máy sai, mà thực ra đây cũng là một cách nói cổ (lại thế nữa!), trong đó tính từ đuôi い khi chia ở thể 連体形 (thể bổ nghĩa cho danh từ) sẽ bị biến đổi thành đuôi き. Đến đây bạn có thể hỏi, thế bây giờ là thời đại nào rồi, sao ko dùng béng い đi, lại dùng き làm gì cho “tân cổ giao duyên” ra thế này. Câu trả lời là, thực ra nếu chuyển hết き thành い thì cũng hoàn toàn không có vấn đề gì hết, chỉ có điều nếu dùng き thì câu văn nghe sẽ trang trọng hơn, “tông xuyệt tông” với những cách viết trang trọng cung kính và ước lệ trong câu thôi. Nói nôm na như trong tiếng Việt, bạn hoàn toàn có thể nói “Kính mời các vị đại biểu ngồi xuống”, nhưng trong bối cảnh trang trọng người ta sẽ nói “Xin trân trọng kính mời các vị đại biểu an tọa”. Sự khác biệt nằm ở độ cung kính, cứng nhắc của từ ngữ, và trong tiếng Nhật thì từ ngữ càng cổ và hiếm dùng thì càng được coi là cứng nhắc, lịch sự, và đôi khi là cung kính.

7. なり
Nếu bạn đã từng nghe một số câu thành ngữ tục ngữ của Nhật bạn hẳn đã thắc mắc vì sao người ta lại kết câu như thế này:
継続は力なり。
心の楽しみは良薬なり。

Và để giải thích cho điều này thì, đây cuối cùng cũng lại là một cách nói cổ. Thời xưa người ta dùng なり và các thể chia của nó thay cho だ, である, です, でした,… mà chúng ta dùng bây giờ. Thể 連体形 (thể bổ nghĩa cho danh từ) của なり là なる, và một số cách nói như 異なる, 更なる, 単なる cũng bắt nguồn từ cách nói cổ này, về bản chất chúng chỉ mang nghĩa 異である, 更である, 単である mà thôi.

(Nhớ đón đọc phần 2 kỳ 2: なし, 〇じる, 関西弁 và Hiragana qua các thời kỳ lịch sử)

(Kỳ trước: おはようございます, さようなら, ありがとうございます và những điều bạn chưa biết)

Mr.Kro

 

One thought on “Tiếng Nhật và những điều bạn không học ở trường (Phần 2 – kỳ 1)

Trả lời