Tôi kể bạn nghe về nước Nhật: Sương khói Oita

Đăng ngày 08/10/2016 bởi iSenpai

Nếu bạn muốn chia sẻ những trải nghiệm về đất nước, con người, cuộc sống ở Nhật; hãy gửi tới chuyên mục “Tôi kể bạn nghe về nước Nhật” được đăng tải tối thử Bảy hàng tuần trên iSenpai qua địa chi contact.isenpai@gmail.com.

Nếu ai đã từng đến Oita một lần, chắc hẳn sẽ không thể nào quên được những cột khói nghi ngút lan ra từ khắp mọi phía, quyện thành màn sương bàng bạc ôm trọn cả mảnh đất này. Đó là những làn khói đến từ các khu suối nước nóng, món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây. Với tôi, có lẽ đó không chỉ đơn thuần là khói nước, mà còn như một dải hơi nồng đượm gợi tôi về với kỉ niệm thân thương, yên bình nhưng cũng buồn mang mác, như cái lặng yên khó hiểu của xứ Oita.

Đó là vào kì hè vừa rồi, tôi có dịp đi thăm người chị đang làm việc tại Kyushyu. Dạo quanh một vòng, từ Fukuoka đến tận Hiroshima, ghé thăm đủ mọi danh lam, chụp hình các kiểu, tôi chỉ lắc đầu ngán ngẩm: “Kyushyu này đúng là chẳng có gì hay. Thua xa Kansai chỗ mình”. Khổ nỗi đã đặt vé khứ hồi, phải chờ mấy ngày sau mới về được, tôi không còn cách nào hơn là chờ chị tìm ra một chỗ nào hay ho để…đi chơi tiếp. Chị tôi không phải là người rành du lịch, loay hoay tra mạng một hồi, chị cũng không tìm được chỗ nào vừa ý. Bất chợt như nhớ ra điều gì, chị reo lên:
– A, hay là đến thăm bác Anan nhỉ.
– Hả, bác Anan nào cơ. – Tôi ngơ ngác hỏi, vẻ lơ là vì ngán ngẩm khi nghĩ tới những ngày dài lê lết sắp tới.
– Bác Anan sếp cũ của chị hồi làm ở Việt Nam đó. Hai năm trước bác có đến nhà mình một lần còn gì.
– À…
Tôi chợt nhớ ra, đúng là mình đã từng nghe qua cái tên này ở đâu đó rồi. Quả thực bác Anan đã từng đến nhà tôi chơi, nhưng ngày ấy tôi mới lớp 12, lúc nào cũng cắm cúi trên gác ôn thi, có khách chỉ ra chào qua loa nên chẳng nhớ gì về bác. Chỉ nhớ mang máng bác là cố vấn cho một công ty ở Việt Nam mà ngày ấy chị tôi làm trợ lý, do bất bình nhiều chuyện nên quyết định nghỉ việc về quê, vui thú ruộng vườn. Từ đó cho đến ngày chị tôi sang Nhật, bác vẫn thường liên lạc hỏi thăm, dù chỉ một đôi lần. Trong kí ức non nớt của tôi ngày ấy, bác Anan là một người phương phi, phúc hậu, gương mặt lúc nào cũng toát lên nét vui vẻ yêu đời. Bác rất thích ăn món gỏi cuốn mẹ tôi làm, và còn hay hỏi tôi những câu đố cực kỳ thú vị. Tiếc rằng ngày ấy tôi không biết tiếng, chỉ lắp bắp được vài câu học lỏm được từ chị nên cũng chẳng nói được gì nhiều. Lần này gặp lại bác, tiếng Nhật đã khá hơn, tôi nghĩ thế nào cũng sẽ vui lắm. Nghĩ vậy, chẳng chần chừ gì, tôi giục chị hẹn bác để sáng hôm sau gấp rút lên đường ngay.

Như đã hẹn, từ sáng tinh mơ tôi và chị đã đón tàu đến Oita. Đi từ Fukuoka mất hơn một tiếng đồng hồ, nên không tranh thủ thời gian thì không thể nào kịp được. Đến nơi, khác hẳn với những dự báo về mưa, bầu trời thật trong lành, quang đãng. Bác Anan đã đứng đón chúng tôi tự lúc nào. Nhìn thấy bác, tôi chợt sững lại. Vẫn là nụ cười trìu mến ngày nào, nhưng sao bác gầy đi nhiều quá. Nước da cũng đen hơn, và mái tóc thì gần như nhuốm bạc. Dáng đi cũng không còn nhanh nhẹn như xưa. “Lạ quá, chỉ hai năm thôi mà, sao bác thay đổi nhiều quá vậy?” – Tôi nghĩ thầm, nhưng chẳng dám nói ra.

1280px-beppu_city_from_beppu_tower_02

Rời khỏi ga, bác đưa chị em tôi ra bãi xe để bắt đầu xuất phát. Khi nhìn thấy xe của bác từ từ tiến ra, tôi lại không khỏi bất ngờ. Đó không phải là một chiếc xe hào nhoáng của những cố vấn công ty, mà trái lại là một chiếc thô kệch của nhà nông, nom đã cũ sờn. Khi bước lên xe, ghế ngồi cũng nhiều phần bị hỏng, đi trên đường xe lắc ghế cũng lắc lư theo. Tôi với chị cứ loay hoay mãi trên chiếc xe ấy, chỉ có bác Anan là khanh khách cười.

Hỏi ra, tôi mới hiểu bây giờ bác đã về làm nông, không còn bon chen nơi thành thị nữa. Mặc vợ con đều khuyên bác trở về thị trấn sống, bác quyết chí vui thú ruộng vườn. “Bây giờ tất cả những khu đất ở đấy chẳng ai canh tác nữa, chỉ còn một mình bác làm thôi. Có máy móc nên cũng đỡ nhiều lắm. Giờ ngày nào cũng bận rộn, nhưng vui. Nhiều người kế bên cũng đang chuẩn bị giao đất cho bác làm giùm” – Bác nói với vẻ tự hào, cứ vừa nói vừa cười phá lên như vui lắm. Tôi và chị chỉ biết nhìn nhau cười trừ. Tôi đành vừa nghe bác kể, vừa đưa mắt ra nhìn cảnh vật xung quanh. Giữa những ngọn núi xanh rì, khói từ đâu bốc lên tứ phía, cuộn trắng cả những gian nhà nho nhỏ. Chẳng hiểu sao làn khói ấy luôn cho tôi một ám ảnh đến kì lạ, nó vừa bí ẩn, thiêng liêng, vừa như những vòi phun của tạo hoá để dội rửa những buồn chán nơi này. Oita thật sự quá tĩnh lặng, hay là vì tôi chỉ mới đến nên chẳng hiểu được là bao?

Rồi bác Anan dẫn chúng tôi đi ăn, đến thăm “Địa ngục”, nơi có những hồ khói tự nhiên với nhiều màu sắc lạ kì, rồi đi tắm suối nước nóng. Oita đúng là cũng có nhiều điều thú vị thật, nhưng điều tôi để tâm nãy giờ vẫn là bác Anan. Đoạn đường chẳng là bao nhưng bác cứ lạc hoài, chốc chốc lại phải đảo vô lăng quay về ngã cũ, một lần như thế bác lại cười: “Ha ha, đúng là già rồi có khác”. Rồi lâu lâu hễ có gì bất cẩn, bác cũng lại hứng chí cười và trách mình tuổi đã cao. Thật kì lạ, tầm tuổi như bác ở Nhật vẫn còn nhiều người minh mẫn, đi thăm thú vui đùa khắp nơi, sao bác lại trở nên như vậy? Bỏ vợ con ở phố thị, một mình lủi thủi về quê, ngày qua ngày chỉ mê mải ruộng vườn. Mà thà có lợi đã đành, đằng này gạo bác làm ra do chi phí tốn kém nên giá cao ngất ngưởng, đành để tồn kho. Hỏi ra thì bác nói: “Già rồi thích một mình. Mà một mình không có gì làm thì buồn lắm. Nên làm vậy giải khuây cũng vui mà”. Khi hỏi “Thế vợ con bác nghĩ sao”, bác lại cười khì: “Bà vợ tôi bả nói tôi cứ chết luôn ở quê cũng được. Ha ha. Mà bác cũng chẳng thiết tha gì nữa, sống đến tuổi này, thật sự chết cũng được rồi.”. Xong bác lại cười hả lên, nụ cười sao mà đáng thương đến tội. Tôi với chị chỉ biết nhìn nhau, tự nhủ thôi đi nhanh còn về cho sớm.

Cuối cùng, bác đưa chúng tôi ra biển. Thực ra biển thì ở đâu cũng có, nhưng đơn thuần vì chị tôi thích biển, nên bác dẫn ra. Dù sao thì biển Oita cũng đẹp, không quá ồn ào như những bờ biển tôi từng đến. Tôi, chị tôi và bác, ba người lặng yên trước biển, chẳng biết nói gì. Gió từ ngoài xa lùa về mát dịu. Những cột khói vẫn hun hút không ngừng. Chợt, tôi nghe bác nói khẽ: “Hôm nay cảm ơn hai cháu nhiều lắm. Cũng lâu rồi bác mới lại tắm suối nước nóng, lại dạo quanh những quang cảnh ở Oita…”. Tôi quay sang, bắt gặp bác khẽ cười. Có lẽ đây mới là nụ cười hạnh phúc. Ánh mắt bác chợt hoá xa xăm, chắc bác đang hồi tưởng về quãng đời mình, hàng chục năm trời bon chen nơi đất khách, rồi lại về ôm lấy đất quê hương. Bác cũng như bao người Nhật xưa, vẫn nghĩa tình chung thuỷ, dù đất quê có tĩnh lặng u buồn, cũng không vì thế mà rời bước ra đi. Liệu có được bao nhiêu người ngày nay nghĩ được như thế nữa. Bất chợt bác vỗ vai tôi, mỉm cười: “Cháu cố gắng học tốt nhé, noi gương của chị. Nhưng chắc ngày cháu ra trường, bác cũng đã ở trên thiên đàng rồi. Ha ha”. Bác lại cười phá lên, dàng gây liêu xiêu hướng về phía biển. Làn khói từ xa như đang chờn vờn quanh bác, mái tóc nhuốm bạc hoà với màu khói làm bác trở nên xa xăm huyền ảo lạ thường. Hình ảnh ấy làm tôi sững sờ mãi cho đến lúc ra xe, để bác tiễn ra gà về lại.

Chuyến đi Oita này đã khiến tôi có nhiều suy nghĩ. Không biết rằng sau này khi tuổi về già, tôi có giống như bác Anan không? Hai mươi tuổi đầu đi du học, đọc trên mạng những tin tức ở quê hương mà ngao ngán chẳng muốn về, liệu có khi nào sẽ nghĩ đến “lá rụng” mà “về cội”. Tôi cũng không biết nữa, nhưng những gì bác Anan đang trải qua, chắc hẳn là gian nan lắm. Gian nan không phải vì cực nhọc, mà vì nỗi cô đơn. Nước Nhật này có bao nhiêu người già đang hứng chịu cô đơn như thế. Vậy nên, hãy trân trọng những phút giây còn trẻ, thôi game, thôi facebook, thôi cả những ngủ nướng, những bạn bè, để tranh thủ làm cho đời những việc có ích hơn, kẻo một mai sẽ không còn kịp nữa. Đó cũng là gì tôi tự nhắc nhở mình khi nhớ về màu trắng bạc của sương khói Oita.

L.T.N (Tôi kể bạn nghe về nước Nhật – iSenpai)

Trả lời