Trào lưu thuyết âm mưu từ Mỹ lan sang Nhật Bản

Đăng ngày 01/05/2021 bởi iSenpai

CNN đưa ra câu chuyện về Hiromi, một chuyên gia châm cứu 58 tuổi để minh họa cho câu chuyện về một người Nhật tin vào những thuyết âm mưu do QAnon vẽ ra. Bức bối vì xã hội đầy nguyên tắc của Nhật, Hiromi tìm đến Internet và bắt gặp Twitter của một người theo thuyết âm mưu QAnon.

Hiromi trưởng thành trong những áp lực kết hôn và làm nội trợ như những phụ nữ Nhật khác. Bà đã có 3 người con nhưng hiện tại đã ly hôn và vật lộn để kiếm sống. “Tôi chắc chắn có những người Nhật khác hoài nghi về cuộc sống này khi chúng tôi phải chen chúc trên tàu mỗi ngày và phải sống theo tập thể, không được nghĩ cho chính mình. Chúng tôi luôn phảu tuân theo những quy tắc người khác vạch sẵn.”

Tin rằng xã hội Nhật đang vận hành không ổn, bà tìm đến Internet để kiếm cho mình câu trả lời. Bà gặp được tài khoản của Eri Okabayashi, một người theo thuyết âm mưu QAnon, khi đọc những cáo buộc việc các công ty dược phẩm coi dân thường là chuột bạch trong các cuộc thí nghiệm thuốc trên Twitter.

Tài khoản của Okabayashi đăng tải những thuyết âm mưu được dịch sang tiếng Nhật, có tới 80 nghìn người theo dõi trước khi bị khóa trong đợt truy quét các tài khoản liên quan đến QAnon của Twitter. Tuy nhiên trước đó Hiromi đã trao đổi nhiều lần với Okabayashi và được cam đoan sẽ cùng bà giúp thế giới tốt đẹp hơn.

Từ lúc gặp Okabayashi trên mạng, QAnon trở thành một lối thoát khỏi hiện thực cho Hiromi. Bà cho rằng mình cảm thấy mình trở nên tự do nhờ nó.

Những thuyết âm mưu phi lý vô căn cứ của QAnon được bắt đầu từ mùa thu ăm 2017 khi một nhóm người sử dụng bí danh “Q” để đăng các chủ đề thảo luận lên 4chan, một diễn đàn đăng nhập ẩn danh và là hang ổ của các phong trào cực hữu.

“Q” lan truyền những thuyết âm mưu nực cười như chuyện cựu tổng thống Mỹ Trump đang phải đối đầu với một phe phái ngầm trong giới tinh hoa Mỹ hay việc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 là âm mưu của đảng dân chủ. Những thuyết âm mưu này dần thu hút nhiều người trên thế giới dõi theo.

Graphika đã phân tích các dữ liệu thu thập được và cho biết Nhật Bản là một trong những nơi QAnon hoạt động tích cực nhất bên ngoài nước Mỹ với những nhánh tư tưởng riêng và những nhân vật có ảnh hưởng tham gia.

QAnon được bắt nguồn từ niềm tin rằng các chính phủ đang lừa dối người dân, một ý tưởng gây thu hút từ số đông những người bất mãn với thời cuộc. Các tín đồ QAnon cảm thấy xã hội xung quanh họ đang bị phá hoạt và thao túng, dần dần họ tin rằng những thuyết âm mưu sẽ giúp họ vạch trần sự thật và giải đáp các vấn đề xã hội. QAnon ở Nhật được cho là có những khác biệt và vô cùng khó kiểm soát so với phong trào gốc ở Mỹ.

Ở Nhật Bản, đã từng có những giáo phái và thuyết âm mưu tồn tại rất lâu trước khi QAnon xuất hiện. Một ví dụ tiêu biểu là giáo phái Aum đã gây ra vụ khủng bố bằng chất độc sarin ở hệ thống tàu điện ngầm Tokyo. Nhật Bản thập niên 90 là giai đoạn bất ổn kinh tế khiến các giáo phái dễ dàng lợi dụng nỗi bât an của người dân.

Việc Internet phát triển giúp cho những thành phần cực hữu của Nhật dễ dàng lan truyền các quan điểm chống người nhập cư và thù ghét nghười nước ngoài. QAnon phát triển nhờ vào những phong trào cực hữu vốn đã tồn tại ở Nhật từ rất lâu.

2 nhóm QAnon hoạt động mạnh nhất ở Nhật là J-Anon và QarmyJapanFlynn (QAJF), đặt tên theo cựu cố vấn an ninh của Donald Trump. Những người này không tin tưởng chính phủ Nhật và ủng hộ Trump một cách điên cuồng. Các tín đồ của J-Anon thường tuần hành để ủng hộ Trump còn QAJF ít hoạt động công khai.

Hiromi cũng là thành viên của QAJF. 2Hey là một đồng chí của bà trong nhóm này. Anh là một tài xế giao hàng 33 tuổi, đã ly hôn và có một con trai. 2Hey từng muốn làm một chính trị gia để thay đổi Nhật Bản nhưng từ bỏ vì cho rằng chính trị là một trò hề. Những khó khăn để trang trải cuộc sống làm anh ta mệt mỏi cho tới khi tìm được QAnon.

Theo Hiromi và 2Hey, QAJF không giống J-Anon hay những nhóm QAnon khác. Họ tin tưởng cho rằng bầu cử Mỹ đã “bị đánh cắp” khỏi người họ ủng hộ là Trump nhưng họ không hề ủng hộ vụ bạo loạn ở Đồi Capitol hồi tháng 1. Họ cho rằng QAJF mang một sứ mệnh hòa bình, vượt xa khỏi chuyện riêng của Trump.

Theo Yasushi Watanabe, chuyên gia nghiên cứu Mỹ tại Đại học Keio, thông tin về QAnon có thể bị lược bớt trong quá trình dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Nhật. Vì thế “Họ không nhất thiết phải trực tiếp hồi đáp những thông điệp của Trump mà chỉ coi ông ấy như một biểu tượng”, Watanabe nhận định.

Ông cũng cho rằng người ta thường tìm đến các thuyết âm mưu trong những giai đoạn khủng hoảng và Covid khiến cảm giác bất an thêm trầm trọng. Sự tuyệt vọng vì Covid đã giúp các thuyết âm mưu bùng phát. Ngoài ra truyền thống tin tưởng vào chính quyền của người Nhật cũng bị xói mòn bởi những sai sót của các chính trị gia cấp cao trong những năm gần đây theo một nghiên cứu của Reuters.

Việc thiếu niềm tin vào truyền thông chính thống đã khiến người ta tìm đến các thông tin từ các nguồn phi chính thống trên mạng và nhiều người tin rằng truyền thông đang che giấu những sự thật nghiêm trọng. “Tin giả” trở nên chi phối suy nghĩ của mọi người.

Sau khi Twitter thực hiện các đợt khóa tài khoản, các nhóm QAnon như QAJF buộc phải chuyển sang các nền tảng khác và tăng cường các hoạt động tìm kiếm thành viên bên ngoài Internet. Hiromi thường tổ chức các buổi gặp mặt ở địa phương với những phụ nữ trung niên chưa biết tới QAnon. Các thành viên khác cũng sử dụng việc phát tờ rơi và livestream để thu hút thêm tín đồ. QAJF tuyên bố họ đã tăng gấp 10 số thành viên dù Twitter có những hành động hạn chế sự lan truyền của QAnon.

Điều này khiến các chuyên gia lo ngại khi các tổ chức cánh hữu dựa trên thuyết âm mưu có thể biến hình thành các phong trào tôn giáo mới hay lập ra các đảng phái chính trị cực đoan.

Theo CNN, VnExpress

Trả lời