Trải qua 1300 năm lịch sử người Nhật vẫn tranh cãi về cách phát âm tên gọi của đất nước này. Trong loạt bài viết về sự thay đổi ngôn ngữ viết Tiếng Nhật, tác giả Arthur Morris đã chỉ ra chi tiết sự phát triển không chỉ cách viết mà cả cách phát âm, ngữ pháp của Tiếng Nhật qua nhiều năm. Điều này thể hiện ở cách phát âm của nhiều từ riêng lẻ, mà một trong số đó chính là tên gọi của đất nước Nhật Bản.
Không phải lúc nào cũng là “Nihon”
Ở Nhật Bản hiện đại, “Nihon” (日本 ) là tên gọi để chỉ đất nước Nhật Bản. Nhưng không phải luôn là như vậy. Cho đến thế kỷ thứ 7, Nhật Bản lấy tên nước là Yamato, lúc bấy giờ người Nhật vẫn chưa có chữ viết riêng và vẫn phải vay mượn chữ Hán nên Yamato được viết là倭, đọc là wa (Đến thế kỷ thứ 8, 倭 được thay thế bằng chữ 和- “hòa”, do vậy dùng chữ 和 đều có nghĩa là “Nhật Bản” ví dụ như washoku hay món ăn Nhật Bản.) Tên gọi “Nihon” bắt nguồn từ việc Thánh Đức Thái tử tự xưng với triều đại Nhà Tùy Trung Quốc rằng mình là “Hoàng đế của vùng đất mặt trời mọc” (日出ずる国; hi izuru kuni – vùng đât mặt trời mọc). “Nihon” là cách nói vắn tắt của日が出てくる本 (hi ga dete-kuru moto).
Từ “Nippon” đến “Nihon”
Ngay cả sau thời kỳ mà Thánh Đức Thái tử nắm quyền, gia tộc thống trị ở Nhật Bản thường gọi mình là Yamato. Nhưng chữ viết từ “Yamato” đã đổi khác. Trong Kojiki (古事記) “Cổ sự ký” – ghi chép biên niên cổ ghi lại lịch sử của Nhật Bản từ thời sơ khai – thì Yamato được viết bằng Kanji là 倭. Nhưng trong cuốn Nihonshoki (日本書紀) – bộ sách cổ thứ hai về lịch sử Nhật Bản – thì Yamato được viết là日本. Không rõ chính xác sự thay đổi này diễn ra khi nào, nhưng từ khoảng nửa sau thế kỷ 7, Nhật Bản có quốc hiệu ghi bằng chữ Hán là 日本 và được phát âm là Yamato.
Vậy phát âm “nippon” ra đời như thế nào? Không ai biết chắc chắn cả. Tuy nhiên, một giả thuyết cho rằng cách phát âm này đến từ các nhà ngoại giao Trung Quốc, họ gọi người Nhật là nyet pan (ニエット・プァン). Giả thuyết tiếp tục cho rằng cách phát âm Nippon kéo dài cho đến thời Edo (1603-1868). Khi đó, dân Edo (Tokyo) hay nói nhanh nên cuối cùng đã biến thành Nihon.
Vì cách phát âm Nihon bắt nguồn từ Edo nên nó không được tổ chức thống nhất trên toàn quốc. Người dân vùng Edo (Tokyo) phát âm là nihon, còn dân Kansai (Osaka và Kyoto) thì vẫn gọi theo cách cũ là nippon. Ở cả Tokyo và Osaka đều có các khu phố được gọi là 日本橋 – tuy nhiên phát âm khác nhau, người dân Tokyo gọi là nihonbashi, dân Kansai gọi là Nipponbashi.
Sự bảo vệ “Nippon” tới cùng
Ngày nay nippon chưa hoàn toàn biến mất, đôi khi vẫn nghe thấy trên bản tin hay ở đâu đó. Cách phát âm thời Edo vẫn có thể được tìm thấy rất nhiều trong tiếng Nhật. “Nihon” hay “Nippon”, trong một ngữ cảnh cụ thể thường tùy thuộc vào người hoặc tổ chức đặt tên. Ví dụ, Ngân hàng Nhật Bản (日本銀行) gọi là Nippon ginkou, tên chính thức của NEC (công ty đa quốc gia của Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo) là 日本電気株式会社 (nippon denki kabushiki kaisha). Ngược lại, thực phẩm Nhật Bản (日本料理) luôn được phát âm là nihon ryouri. Các từ khác, như全日本 ( zennihon / zennippon = toàn Nhật Bản) có thể được phát âm theo một trong hai cách.
Sự mơ hồ trong cách phát âm tiếp tục tồn tại bởi chính phủ Nhật Bản không tuyên bố cái nào là tên gọi chính thức. Có ít nhất hai lần trong thế kỷ 20, Nippon được đề xuất trở thành tên gọi chính thức của đất nước Nhật Bản. Lần đầu tiên, vào năm 1934, nhưng không có gì thay đổi. Lần thứ hai vào năm 1970 trước khi diễn ra Hội chợ Thế giới Osaka và vẫn không được thông qua.
Đáng ngạc nhiên, một trong những chiến thắng lớn nhất của nippon có thể tìm thấy trong Đảng Dân chủ Nhật Bản (民主党; minshutou). Vào năm 2006, đảng đối lập lúc đó đã cố gắng thay đổi Luật Giáo dục Nhật Bản để biến Nippon thành cách phát âm chuẩn được dạy trong trường học. Một bộ trưởng của Đảng Dân chủ thêm một lần nữa đã đưa chủ đề này lên Quốc Hội Nhật Bản năm 2009, nhưng Thủ tướng tỏ vẻ không quan tâm đến chủ đề tranh cãi này.
Đối với nhiều người ở Nhật Bản, vấn đề phát âm “chuẩn” đã được suy nghĩ từ lâu. Theo một phân tích về tiếng Nhật hiện đại được thực hiện bởi Viện ngôn ngữ Nhật Bản vào khoảng năm 2012 thì có 98% người nói tiếng Nhật cho rằng đó là Nihon. Tuy vậy điều này không ngăn cản một số người vẫn sử dụng Nippon – như một cách thể hiện tình cảm dân tộc. Cách sử dụng này thậm chí còn len lỏi vào một số người ở các quốc gia nói tiếng Anh.
Nhiều người cho răng sự khăng khăng bảo vệ phát âm Nippon là của nhóm những người bảo thủ thiểu sổ muốn hồi sinh những ký ức về một Đế quốc Nhật Bản trong quá khứ.
Tham khảo
Unseen Japan
Wikipedia