Tỷ lệ sinh vào năm tới ở Nhật dự kiến sẽ giảm 10% do dịch COVID

Đăng ngày 28/08/2020 bởi iSenpai

Tờ Asian Nikkei Review đưa tin số ca sinh ở Nhật Bản và Hoa Kì được dự báo sẽ giảm khoảng 10% trong năm tới do thiệt hại về kinh tế của đại dịch Covid-19 khiến những người trẻ tuổi phải suy nghĩ lại về việc kết hôn và sinh con.
Theo Tiến sĩ Hideo Kumano tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, năm 2021, tỷ lệ sinh của Nhật Bản sẽ giảm khoảng 10%. Được biết, năm 2019, quốc gia này cũng chứng kiến dân số giảm năm thứ 11 liên tiếp, chỉ có 860.000 ca sinh mới. Đây là lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới 900.000 ca kể từ khi bắt đầu theo dõi dữ liệu.
Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nền kinh tế châu Á vốn đã phải đối mặt với những thay đổi nghiêm trọng về nhân khẩu học thì nay đại dịch lại gây thêm trở ngại mới cho nỗ lực khuyến khích người dân xây dựng gia đình của các nhà hoạch định chính sách.


Tiến sĩ Kumano cho biết: “Những hạn chế về kinh tế như mất việc làm ở những người lao động không thường xuyên sẽ dẫn đến việc gia tăng những người trẻ tuổi không muốn kết hôn và sinh con trong thời gian tới.”
Theo dữ liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tháng 5 năm nay, Nhật Bản có tổng cộng 32.544 cuộc hôn nhân. Con số này giảm 2/3 so với cùng kì năm trước và giảm hơn 30% so với tháng 5 năm 2018.
Năm 2019, tỷ lệ sinh của Nhật Bản cũng giảm xuống còn 1,36, mức thấp nhất trong 12 năm qua. Một quan chức cấp cao của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cảnh báo rằng con số này có thể sẽ giảm hơn nữa trong năm nay và năm tới.
Những người trẻ tuổi đã bị ảnh hưởng nặng nề khi mối quan tâm về việc làm và thu nhập lan rộng khắp thế giới. Một cuộc khảo sát trực tuyến của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy 17,1% trong số những người từ 18 đến 29 tuổi trên khắp thế giới cho biết họ không làm việc kể từ khi đại dịch bùng phát. Ngay cả những người đang làm việc cũng thấy số giờ lao động của họ giảm 23%, điều đó dẫn đến thu nhập ít hơn.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Đại dịch là một cuộc khủng hoảng sức khỏe kéo dài, những tác động của nó sẽ còn được cảm nhận trong nhiều thập kỷ tới. Càng cần nhiều thời gian để kiểm soát dịch bằng cách phát triển một loại vắc-xin thì các hoạt động kinh tế càng bị ảnh hưởng lâu hơn.”
Ở các quốc gia đang phát triển, có những lo ngại rằng sự căng thẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ làm ảnh hưởng tới những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. UNICEF cảnh báo rằng trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa sẽ tăng thêm 1,2 triệu trong sáu tháng tới khi mà các biện pháp đối phó với COVID-19 làm tiêu tốn nguồn lực y tế.

Tham khảo:
https://asia.nikkei.com/Spotlight/Society/Births-set-to-drop-10-in-Japan-and-US-in-COVID-baby-bust
https://gamp.ameblo.jp/tomonakamaru/entry-12619454474.html

Trả lời