Trong cuộc chiến chống Covid 19, vaccine được coi là chiến lược hàng đầu không chỉ tại Nhật mà tại khắp các quốc gia trên thế giới. Nhật Bản chính thức bắt đầu triển khai tiêm vaccine tháng 2 năm nay, nhưng các loại vaccine được sử dụng đều là do các hãng dược nước ngoài phát triển. Theo NHK, các nhà sản xuất dược phẩm Nhật Bản cho biết họ “vẫn đang tiếp tục phát triển nhưng chưa đến lúc có thể đem các vaccine này vào thử nghiệm lâm sàng.”
Tính đến ngày 20 tháng 7, bốn công ty sau đây của Nhật đã trong giai đoạn “thử nghiệm lâm sàng” cho vaccine của mình.
1. Công ty liên doanh sinh học AnGes ở Osaka (công nghệ vaccine DNA): vaccine đã được tiến hành thử nghiệm lâm sàng sớm nhất tại Nhật và hiện đang ở giai đoạn 2 trên 3 giai đoạn thừ nghiệm.
2. Công ty dược phẩm “Shionogi” ở Osaka (công nghệ biến đổi protein): hiện đang thử nghiệm giai đoạn 1 và 2.
3. Công ty dược phẩm “Daiichi Sankyo” (công nghệ mRNA): hiện đang thử nghiệm giai đoạn 1 và 2.
4. Công ty dược phẩm của Kumamoto “KM Biologics” (công nghệ vaccine sử dụng virus bất hoạt): hiện đang thử nghiệm giai đoạn 1 và 2.
Ngoài ra, công ty liên doanh “VLP Therapeutics Japan” đã nộp báo cáo cho cơ quan chức năng vào tháng 7. Nếu được thông qua, họ cũng sẽ bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm cho vaccine của mình.
Các nhà chuyên môn cho biết “thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn” là rào cản rất lớn đối với việc phát triển vaccine tại Nhật”. Vaccine của các công ty như Pfizer, Moderna, và AstraZeneca, trước được đưa vào sử dụng thực tế, đã trải qua các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn với hàng chục nghìn tình nguyện viên. Thật khó để các cơ sở sản xuất vaccine tại Nhật tìm được số người với quy mô lớn như vậy. Hơn nữa, trong khi các loại thuốc thông thường được sử dụng để điều trị bệnh cho người ốm thì vaccine là được tiêm cho người khỏe mạnh. Vì vậy tính hiệu quả và độ an toàn của vaccine càng cần được khẳng định chắc chắn.
Một lý do khác khiến các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn gặp khó khăn là vấn đề “đạo đức”. Khoảng một nửa số người tham gia nghiên cứu có thể sẽ được tiêm vaccine “giả dược” hoàn toàn không có hiệu quả. Do đó, tại Nhật, người ta không thử nghiệm như thông thường mà tiến hành một phương pháp mới gọi là “thử nghiệm không thua kém”. Người phát triển phương án này là ông Masayuki Hikita, tổng giám đốc Biologics, người phụ trách phát triển vắc xin tại Daiichi Sankyo.
Trong phương pháp này, người ta sẽ tiến hành so sánh giữa “nhóm được tiêm vắc xin đang được thử nghiệm” và “nhóm được tiêm vắc xin đã được đưa vào sử dụng trong thực tế”. Phương pháp này an toàn hơn, và thực hiện khi đã có những loại vắc-xin đã được kiểm nghiệm như hiện tại là rất hợp lí. Mỗi công ty trong 4 công ty kể trên đều đang xem xét cách thức tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cùng. Tuy nhiên cũng phải mất một thời gian nữa họ mới hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm của mình.
Theo NHK, Asahi Shinbun