Vấn đề mang thai của thực tập sinh Việt Nam ở Nhật

Đăng ngày 05/03/2021 bởi iSenpai

Mới đây NHK World đã đăng một bài phân tích về vấn đề sinh con của các nữ thực tập sinh Việt Nam ở Nhật. Bài viết có nhắc tới vụ việc hai phụ nữ Việt Nam vừa bị bắt tại Nhật Bản vì bỏ xác đứa trẻ sơ sinh. Trong cả hai trường hợp, họ đều nói rằng họ lo sợ bị mất việc làm (thực tập sinh kỹ năng) nếu người chủ của họ phát hiện ra việc mang thai.

Số lượng nữ thực tập sinh Việt Nam ở Nhật ngày càng tăng, cung cấp một số lượng nhân lực đáng kể cho ngành công nghiệp ở Nhật Bản. Vụ việc bắt giữ vào tháng 11 ở các tỉnh phía tây của Hiroshima và Kumamoto làm nổi lên sự phân biệt đối xử hay rõ hơn là sự đối xử bất bình đẳng của chủ lao động Nhật Bản và các công ty mối giới Việt Nam.

Trong vụ án ở Hiroshima, các công tố viên đã tố cáo nữ thực tập sinh đã chôn xác trong sân ký túc xá. Xác chết được phát hiện không có vết thương bên ngoài và vẫn còn dây rốn và nhau thai. Phóng viên NHK đã gặp cô trong trại tạm giam và được cô cho biết cho biết cô lo sợ sẽ bị đuổi về Việt Nam nếu bị phát hiện đã sinh con. Cô cảm thấy mình không thể hỏi ý kiến ​​bất cứ ai khi gặp chuyện này. Trường hợp ở Kumamoto cũng tương tự khi nữ nghi phạm 21 tuổi cũng đối diện với tội danh tương tự. Các công tố viên nói rằng cô ấy sợ rằng cô ấy sẽ bị buộc trở về Việt Nam nếu việc cô ấy mang thai bị phát hiện. Cô cũng không có ai để có thể nương tựa được nữa.

Vào tháng 3 năm ngoái, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cùng Bộ Tư pháp Nhật Bản đã ban hành một văn bản kêu gọi các công ty và nghiệp đoàn ngăn chặn việc thực tập sinh bị đối xử bất lợi chỉ vì mang thai. Trong văn bản kêu gọi có chỉ rõ, thực tập sinh cũng được áp dụng “Luật bình đẳng giới trong lao động” giống như người Nhật.
Theo đó, việc các công ty đối xử bất công hay sa thải họ vì lý do mang thai và sinh con đương nhiên bị cấm. Ngoài ra, ngay cả việc các công ty lấy lý do là trong hợp đồng các thực tập sinh ký với nơi phái cử trong nước trước khi sang Nhật có nội dung như “Tôi sẽ về nước ngay sau khi mang thai”,… để đối xử bất lợi với thực tập sinh cũng không được chấp nhận.

Nhưng trên thực tế, tình hình lại hoàn toàn khác. Một chuyên gia tư vấn giúp người Việt Nam tìm việc tại Nhật Bản nói với đài NHK rằng các nữ thực tập sinh không được mang thai. Ông cho biết người nước ngoài được tuyển dụng cho các lĩnh vực thiếu lao động, bao gồm nông nghiệp và đánh cá, và được yêu cầu làm việc liên tục trong thời gian thực tập kéo dài từ một đến ba năm. Mang thai và sinh con có nghĩa là phải nghỉ làm, điều này là một vấn đề đối với nhà tuyển dụng ở Nhật. Và khi một thực tập sinh mang thai thì sẽ làm mất đi sự tín nhiệm của phía công ty ở Nhật đối với môi giới Việt Nam. Do đó, các công ty tuyển dụng đã cấm người tham gia mang thai, thậm chí một số yêu cầu các thực tập sinh phải trả khoản tiền phạt 100 triệu đồng và bị đình chỉ bay vì bất kỳ lý do gì, kể cả mang thai. Hình phạt đó được áp dụng cùng với tiền hoa hồng và các khoản phí đại lý khác mà nhiều thực tập sinh phải trả để có thể đến Nhật làm việc. Nhà tư vấn cho biết, tổng số tiền có thể lên đến 200 triệu đồng, một số tiền lớn đối với hầu hết các thực tập sinh.

Một thực tập sinh giấu tên khác đã trả lời phỏng vấn đài NHK và cho biết cô buộc phải trở về Việt Nam vì mang thai. Cô đến Nhật khoảng hai năm trước với tư cách là một thực tập sinh kỹ năng với mục đích hỗ trợ gia đình. Chỉ hơn một năm sau, cô ấy có quan hệ với một thực tập sinh khác và có thai. Cô cho biết mình rất vui nhưng cũng rất lo lắng vì biết tin một đồng nghiệp mang thai và phải trở về nhà. Nỗi sợ hãi của cô đã thành hiện thực khi người chủ của cô nói với cô rằng cô không còn được phép làm việc tại nhà máy nữa, tuyên bố rằng cô đã vi phạm quy tắc vì đã mang thai. Lo lắng có thể phải về Việt Nam mà không có cách nào trả được nợ, cô đã tìm đến sự giúp đỡ từ một nhóm hỗ trợ.

Nhóm hỗ trợ mà cô ấy đã tìm đến để được tư vấn đã thương lượng với người chủ của cô ấy khi cô ấy về Việt Nam sinh con, và cuối cùng cô cũng được phép quay trở lại công việc của mình. Nhưng cô phải để lại con ở nhà và quay lại Nhật làm việc. Hiện tại thực tập sinh kỹ năng không thể mang theo trẻ sơ sinh. Người mẹ trong phỏng vấn của NHK cho biết cô vẫn có thể gặp con qua video chat nhưng cô vẫn rất nhớ con mình, mong muốn có thể chứng kiến con mình khôn lớn.  Cô nói rằng cô ấy không hiểu tại sao cô và các thực tập sinh nước ngoài khác không được phép sinh và nuôi con của họ trong khi tiếp tục làm việc, mặc dù các đồng nghiệp người Nhật của họ có thể làm như vậy.

Nhiều thực tập sinh nước ngoài khi phát hiện có thai đã tìm đến Nữ tu Maria Lê Thị Lang tại một nhà thờ Công giáo ở thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama, để xin lời khuyên. Cô ấy đã cho ý kiến 50 trường hợp vào năm ngoái, bao gồm 5 trường hợp vào tháng 12. Cô nói rằng những sự cố ở Hiroshima và Kumamoto là kết quả của cảm giác bị cô lập quá mức. Chị Maria đang cố gắng cải thiện tình hình thông qua các nhóm hỗ trợ trên Facebook. Cô đang làm việc với các liên đoàn lao động hỗ trợ lao động nước ngoài để thuyết phục người sử dụng lao động cho phép thực tập sinh tiếp tục thực tập sau khi họ mang thai và sinh con. Cô cũng liên hệ với các nhóm hỗ trợ chăm sóc trẻ em để giúp các thực tập sinh trong trường hợp họ phải để lại con nhỏ ở quê khi đến Nhật làm việc.

Cô cho biết nhiều người lao động nước ngoài cảm thấy họ phải che giấu việc mang thai vì áp lực nợ nần của gia đình, và một số coi phá thai là lựa chọn duy nhất của họ. Nhưng cô mong họ có thể nghe và tìm kiếm nhiều lời khuyên, sự giúp đỡ, và cũng đừng quên quyền được có con của mình

Theo NHK World

Trả lời