Vì sao Nhật Bản không muốn nhắc đến thủ phạm vụ ném bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki?

Đăng ngày 20/06/2015 bởi iSenpai

Ngày 6 tháng 8 năm 1945, cả thế giới sững sờ trước việc Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, một thảm họa kinh khủng mà trước đó nhân loại chưa từng biết tới.

Cho tới nay, Hoa Kỳ vẫn không hề xin lỗi Nhật Bản về hành động có thể sánh với những tội ác chiến tranh. Vào thời điểm hai vụ đánh bom nguyên tử, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách thoát khỏi cuộc chiến, việc Hoa Kỳ sử dụng thứ vũ khí giết người mới ghê gớm là sự tàn ác vô nghĩa.

Bản thân người Nhật cũng không lên tiếng đòi Hoa Kỳ xin lỗi vì vụ đánh bom nguyên tử, – ông Valery Kistanov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện HLKH Nga, cho biết:

“Thật là nghịch lý. Nếu đọc báo chí, các tài liệu của Nhật Bản về chủ đề này, sẽ không thấy họ đề cập đến những thủ phạm đã ném bom nguyên tử. Không bao giờ đọc được rằng các vụ đánh bom do Hoa Kỳ thực hiện. Giải đáp ở đây rất đơn giản. Sau chiến tranh, một thời gian dài Nhật Bản bị Hoa Kỳ chiếm đóng và lệ thuộc về kinh tế. Một chương trình tương tự Kế hoạch Marshall khôi phục Tây Âu sau chiến tranh được Hoa Kỳ phát triển đối ở Nhật Bản. Phần nhiều nhờ đó mà diễn ra phép lạ kinh tế Nhật Bản. Từ phía Washington, tất nhiên đây không phải là việc làm vô tư. Mỹ cần nhanh chóng kéo Nhật Bản ra khỏi đống đổ nát sau Thế chiến thứ hai và biến thành “một con đê chống cộng sản” ở phía Đông. Có thể coi những quả bom được thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào cuối Thế chiến là hoạt động đầu tiên của Mỹ trong “cuộc chiến tranh lạnh”. Hoa Kỳ đã biến Nhật Bản từ kẻ thù cũ thành đối tác chiến lược chính ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong hoàn cảnh như vậy, việc chỉ mặt kẻ thả bom xuống Nhật Bản không có lợi cho giới chính trị Nhật Bản. Trong ý thức của người Nhật dần dần lu mờ ký ức về các thủ phạm của hai vụ đánh bom nguyên tử.”

Sự “lãng quên” lịch sử ở Nhật Bản thật tương phản trên nền những ký ứu khắc sâu ở các nước Đông Á khác. Trung Quốc và Hàn Quốc luôn nhớ tới quá khứ dưới ách quân phiệt Nhật, – ông Valery Kistanov tiếp tục phân tích:

“Tokyo đang vấp phải một mặt trận thống nhất, đó là các nước láng giềng đồng tâm lên án việc Nhật Bản minh oan những hành động xâm lược trong lục địa, điều chỉnh bất kỳ đánh giá về những sự kiện quá khứ. Việc xây dựng quan hệ với Hàn Quốc, bất chấp sự trung gian tích cực của Hoa Kỳ, đến nay vẫn bị cản trở bởi chính quá khứ thuộc địa. Bản thân người Nhật ngày nay có quan điểm rằng, trong những năm áp đặt chế độ thực dân, giống như người Mỹ, họ đã làm nhiều điều có ích cho Hàn Quốc về mặt kinh tế-xã hội: xây dựng đường sắt, tạo các doanh nghiệp, lập hệ thống giáo dục. Nhưng đằng sau những điều này là lợi ích của bản thân Nhật Bản. Họ phát triển thuộc địa để dễ khai thác hơn nguồn nguyên liệu. Nền giáo dục nhằm vào mục tiêu Nhật hóa người địa phương. Sự thay đổi các thế hệ không làm Hàn Quốc quên đi ký ức về quá khứ dưới ách Đế quốc Nhật. Ở Trung Quốc và Hàn Quốc, dư luận theo dõi chặt chẽ những nỗ lực của Nhật Bản nhằm minh oan sự xâm lược. Gần đây, Hàn Quốc và Trung Quốc còn có những động thái chung chống lại Nhật Bản. Họ lên tiếng phản đối Tokyo lập kế hoạch tái vũ trang và tìm cách sửa lại kết quả Chiến tranh thế giới II.”

Nhưng nếu Nhật Bản có thực hiện một số nỗ lực xin lỗi các nước láng giềng về nhiều năm thuộc địa thì đại diện chính thức của Hoa Kỳ vào năm 2010 mới xuất hiện lần đầu tại lễ mặc niệm các nạn nhân của thảm họa Hiroshima. Thế mà động thái này đã bị một số người Mỹ phê phán như một “lời xin lỗi im lặng.” Công tác khảo sát dư luận do Đại học Quinnipiac (Mỹ) đề xuất cách đây năm năm cho thấy, 61% số người Mỹ được hỏi đã ủng hộ việc ném bom nguyên tử xuống các thành phố Nhật Bản. Chỉ 22% ý kiến là cảm thấy quyết định này hoàn toàn vô nghĩa…

Theo vn.sputniknews.com

One thought on “Vì sao Nhật Bản không muốn nhắc đến thủ phạm vụ ném bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki?

  1. Một lý do không được nói thẳng ra, nhưng có thể cũng là phù hợp với tính cách Nhật bản, đó là họ tự cho rằng, các tội ác mà họ gây ra trên các đất nước châu Á trong Thế chiến 2 đã bị trả thù chính đáng. Cho nên việc giằng co về hơn thua trong việc đối xử tội ác lẫn nhau giữa các kẻ tham chiến cũng chẳng đi đến đâu.

Trả lời