Vụ án hai bác sĩ Nhật trợ tử cho bệnh nhân mắc hội chứng ALS

Đăng ngày 01/08/2020 bởi iSenpai

Những ngày vừa qua, vụ việc hai bác sĩ ở Nhật Bản bị bắt vì bị nghi ngờ đã giúp một người phụ nữ mắc hội chứng ALS kết liễu cuộc đời gây ra cuộc tranh luận ở nước này về vấn đề trợ tử và chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân chiến đấu với bệnh nan y. Ở Nhật, không có quy định về quyền được chết trong luật pháp và các bác sĩ cũng không được phép trực tiếp quản lý các loại thuốc có khả năng gây tử vong hay cung cấp các đơn thuốc đó cho bệnh nhân.

Cụ thể, ngày 23 tháng 7, cảnh sát đã chính thức bắt giữ hai bị cáo là bác sĩ Yoshikazu Okubo (42 tuổi) và bác sĩ Naoki Yamamoto (43 tuổi) vì nghi ngờ hai người này đã sử dụng thuốc để gây tử vong cho Hayashi Yuri, 51 tuổi, mắc hội chứng ALS, tại căn hộ của cô ở Kyoto vào tháng 11 năm 2019. Thông qua camera an ninh cảnh sát xác định hai bị cáo đã đến căn hộ của nạn nhân vào ngày cô qua đời, khám nghiệm tử thi cũng tìm thấy các chất barbiturat, loại thuốc an thần không bán sẵn, trong cơ thể nạn nhân, nguyên nhân tử vong được cho là ngộ độc cấp tính. Ngoài ra cảnh sát cũng phát hiện nạn nhân đã chuyển 1,3 triệu yên vào tài khoản của bị cáo Yamamoto.


ALS (Amyotrophic Lateral Sclerosis) hay còn gọi là bệnh xơ cứng teo cơ một bên, là một bệnh lý liên quan đến hệ thống thần kinh, ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh trong não và tủy sống, gây mất kiểm soát cơ bắp. Bệnh thường bắt đầu ở bàn tay, bàn chân, sau đó lan sang nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Khi bệnh bắt đầu tiến triển và các tế bào thần kinh bị phá hủy, cơ bắp của bệnh nhân sẽ yếu đi. Cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình kiểm soát các cơ cần thiết để di chuyển, nói, ăn và hít thở của người bệnh. Hiện nay chưa có cách điều trị cho căn bệnh này. (Theo Vinmec)
Nạn nhân Hayashi được chẩn đoán mắc ALS ở độ tuổi 40. Căn bệnh này đã làm suy yếu cơ bắp, giảm khả năng di chuyển, nói và thậm chí thở của bệnh nhân. Hayashi sống một mình trong căn hộ và hàng ngày phải nhờ đến sự giúp đỡ của người chăm sóc. Cô thường đăng lên Twitter với các nội dung như mỗi ngày trôi qua là mỗi sự nhục nhã và khốn khổ, tôi không thể chịu đựng được, hãy cho tôi một cái chết dễ chịu,..liên tục trong 7 năm, hầu như các bài đăng đều bày tỏ mong muốn được kết thúc cuộc đời mình.
Theo điều tra của cảnh sát, hai bị cáo này không phải là bác sĩ điều trị chính của nạn nhân. Họ quen biết nhau khoảng từ tháng 12/2018 thông qua twitter và liên tục nhắn tin trao đổi tới tháng 11/2019, ba tuần trước khi nạn nhân qua đời. Khi được nạn nhân nhờ để được chết một cách êm ái, bị cáo đã yêu cầu cô chuyển đến chỗ mình làm sau đó sẽ chỉ cho cô cách kết thúc cuộc đời. Tuy nhiên khi nạn nhân đề nghị bác sĩ điều trị chính viết giấy giới thiệu để được chuyển đến nơi làm việc của bị cáo Yamamoto thì không được chấp nhận.
Bị cáo Yamamoto là một bác sĩ ở Tokyo trong khi bị cáo Okubo đang điều hành phòng khám ở tỉnh Miyaki. Hai người này được cho đã quen nhau từ 20 năm trước tại một buổi hội thảo dành cho sinh viên y khoa. Họ đã cùng nhau lên kế hoạch cụ thể để giả mạo là người quen đến thăm và tiêm cho nạn nhân liều thuốc an thần để kết thúc cuộc đời cô.
Ngoài ra, cảnh sát cũng điều tra bị cáo Okubo trước đó đã đăng những dòng tweet mang tính thương mại hoá, khẳng định về việc trợ tử, định kiến muốn ruồng bỏ người cao tuổi. Cụ thể, vào tháng 4 năm nay là dòng tweet “Tôi đã bắt đầu trợ tử, bạn sẽ trả tôi bao nhiêu?” hay tháng 2 năm ngoái, tài khoản được cho là của bị cáo đã đăng “Tôi có thể thực hiện phương pháp trợ tử mà không để lại dấu vết. Liệu nó có được nhiều người để ý không nhỉ?”, sau đó đến tháng 6 “Một cái chết êm ái không để lại bằng chứng. Giá gốc 500 yên chăng”,…
Phản hồi về vụ án trên, Hiệp hội bệnh nhân ALS Nhật Bản cho biết hành vi của hai bị cáo là hành vi đi ngược với đạo đức ngành y, không thể chấp nhận. Mặt khác, cho rằng không có gì để phán trách nguyện vọng và hành động của nạn nhân Hiyashi vì việc mong muốn sớm được kết thúc cuộc đời là điều dễ thấy ở các bệnh nhân mắc hội chứng ALS.
Ngoài ra, theo PGS Ando Yasunori của Đại học Y khoa Tottori, qua vụ việc này hi vọng mọi người sẽ quan tâm và dành nhiều sự hỗ trợ hơn cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y, những con người đang phải chiến đấu từng ngày với cái chết, giúp họ có thể tìm được mục đích sống, tránh để xảy ra sự việc tương tự.

Tham khảo:
https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/backstories/1224/
https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200728/k10012536291000.html
https://www.asahi.com/articles/ASN7W6RQVN7WPTIL00V.html
https://www.kyoto-np.co.jp/articles/-/315250

Trả lời