Y tá Việt Nam “thổi sinh khí” vào các bệnh viện ở Nhật Bản.

Đăng ngày 24/12/2014 bởi iSenpai

Lực lượng y tá tay nghề cao từ các nước châu Á đang mang đến những thay đổi đáng kể cho các bệnh viện ở Nhật Bản trong bối cảnh đất nước này đang thiếu hụt lao động trầm trọng.

1

Chị Sayaka Fujita, một y tá 41 tuổi ở bệnh viện Sodegaura Satsukidai, tỉnh Chiba, cho biết: “Họ tạo cho chúng tôi thêm nguồn sức mạnh để xua tan cảm giác trì trệ.” Chị Fujita đang ám chỉ các y tá Việt Nam hiện đang làm việc tại bệnh viện này.

Từ năm 1994, bệnh viện này đã đào tạo cho 10 nữ y tá Việt Nam theo một chương trình chung với các bệnh viện khác. Họ không chỉ giúp bệnh viện này giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động mà còn tạo ra những hiệu ứng tính cực khác.

Theo hãng tin Kyodo, các phụ nữ Việt Nam, mà nhiều người trong số này đã được đào tạo chuyên môn bác sỹ ở Việt Nam, đều có chuyên môn cao về y khoa. Họ học tập tại trường đào tạo điều dưỡng ở Nhật Bản trong 3-4 năm và vượt quá các kỳ thi chất lượng quốc gia với điều kiện tương tự với các ứng viên Nhật Bản. Các y tá người Việt cũng đạt trình độ tiếng Nhật cấp độ cao và thậm chí có người còn dạy cả chữ kanji (chữ Hán) cho người Nhật.

Các y tá Việt Nam làm việc khá nhiệt tình ở rất nhiều chuyên khoa, bao gồm cả phòng cấp cứu, và đã một thời gian dài chưa về thăm quê nhà. Trong khi các nữ y tá Nhật thường ít do dự hơn khi rời công việc để nghỉ phép, bệnh viện nhận thấy tỷ lệ y tá bỏ việc giảm hẳn kể từ khi có y tá Việt Nam tham gia vào công việc.

Chị Fujta chia sẻ: “Các y tá Việt đã tạo ra bầu không khí giúp chúng tôi có những ngày nghỉ thoải mái hơn.”

Trưởng Phòng Kế hoạch bệnh viện, Takahiro Yada, cho biết: “Giờ đây chúng tôi đang có một chu kỳ hoàn hảo mà ở đó người lao động Nhật Bản và nước ngoài cùng giúp nhau tiến bộ.”

Tại bệnh viện Kashiwado, cũng ở thành phố Chiba, Y tá Đinh Thị Chúc đã làm việc được 11 năm. Một y tá người Việt khác tại bệnh viện cũng đã làm được 9 năm và hiện đang nghỉ thai sản.

Chị Chúc, 34 tuổi, cho biết công việc tại bệnh viện sẽ ổn định lâu dài vì bệnh viện hỗ trợ các y tá khá thoải mái trong việc nuôi dạy con cái. Bản thân chị Chúc được cư trú dài hạn tới ba năm và hiện đang sống cùng chồng và hai con. Chị Chúc đều được nghỉ thai sản để sinh nở đối với cả hai cháu bé.

Y tá trưởng Kinuko Ogino cho biết hai nữ y tá Việt này “không thể thiếu đối với chúng tôi.” Bà Ogino cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng tạo ra môi trường làm việc thân thiện cho các thành viên quan trọng.”

Bệnh viện Satsukidai và Kashiwado là những trường hợp cụ thể trong số các bệnh viện tình nguyện tiếp nhận các thực tập sinh châu Á ở Nhật Bản.

Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt y tá và điều dưỡng viên trong bối cảnh nhiều người đã phải bỏ việc do môi trường làm việc căng thẳng hoặc do kết hôn hay sinh nở trong khi nhu cầu đối với công việc điều dưỡng và y tá này hiện đang gia tăng trong một xã hội đang già hoá nhanh chóng.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ước tính nước này sẽ cần khoảng 2 triệu y tá làm việc tại các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc y tế cũng như cho các dịch vụ chăm sóc tại nhà vào năm 2025, tăng vọt so với con số 500.000 người hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận những người muốn trở thành y tá và điều dưỡng viên từ Indonesia vào năm 2008 theo thoả thuận thương mại tự do song phương. Tiếp đó, Nhật Bản cũng tiếp nhận thêm các thực tập sinh từ Philippines và Việt Nam theo các thoả thuận tương tự.

Trong số 840 y tá thực tập từ ba nước này, 128 người đã vượt qua kỳ thi cấp quốc gia trong khi hơn 1.500 điều dưỡng viên cũng đã đặt chân đến Nhật Bản.

Hồi tháng Tám, bệnh viện Satsukidai đã tiếp nhận hai nam giới người Việt làm y tá thực tập theo chương trình Đối tác Nhật-Việt. Các y tá này hiện đang học tập rất chăm chỉ với nỗ lực vượt qua kỳ thi thường niên vào tháng 2/2015 để nhận được chứng chỉ hành nghề y tá ở Nhật Bản.

Anh Nguyên Sơn Hà, 27 tuổi, một y tá thực tập, nói với vốn tiếng tiếng Nhật còn khiêm tốn: “Tôi muốn làm việc ở Nhật Bản và học kỹ năng y tá.” Anh Hà được đào tạo tiếng Nhật trong vòng một năm ở Việt Nam trước khi đến Nhật Bản nhưng vẫn còn thêm thời gian để cải thiện thêm vốn ngoại ngữ của mình.

Trưởng phòng kế hoạch Yada cho biết việc tiếp nhận các y tá nước ngoài đã đặt một “gánh nặng” cho bệnh viện vì họ phải dạy tiếng Nhật cho các thực tập sinh gần như từ đầu nhưng bệnh viện quyết định tiếp nhận các thực tập sinh Việt Nam nhờ bề dày kinh nghiệm y khoa vượt trội của họ.

Theo HỮU THẮNG/TOKYO (VIETNAM+)

 

Trả lời