Câu chuyện hậu Covid của những bệnh nhân tại Nhật

Đăng ngày 10/05/2021 bởi iSenpai

NHK mới đây đã đăng tải lại câu chuyên của một người phụ nữ ngoài 30 tuổi sống ở Osaka đã được xuất viện sau khi điều trị Covid.

“Vào tháng 12 năm ngoái, sau khi một người thân được xác nhận nhiễm Covid 19, tôi đã lập tức đến cơ sở y tế khám và hai ngày sau thì nhận được kết quả dương tính. Ban đầu, tôi chỉ cảm thấy đau cơ và ho nhẹ. Sau một trận sốt cao 38 độ, tôi mới bị mất khứu giác. May mắn thay, tôi không xuất hiện các triệu chứng viêm phổi và được trở về nhà sau 10 ngày theo dõi tại khách sạn.

Sau khi về nhà, khứu giác của tôi vẫn rất tệ nhưng các triệu chứng khác thì dần dần hồi phục khiến tôi cũng cảm thấy an tâm phần nào. Tuy nhiên, hơn một tháng sau, điều băn khoăn nhất đối với tôi vẫn là vấn đề khứu giác bất thường. Ngoài ra, các triệu chứng mệt mỏi, đau cơ và đau đầu vẫn tiếp diễn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến các sinh hoạt hằng ngày của tôi. Tôi cảm thấy rất lo lắng nhưng không biết phải tìm sự giúp đỡ từ đâu.”

Các nhà chuyên môn dịch tễ học cho biết về những di chứng có thể để lại sau khi bệnh nhân Covid bình phục: “Chúng ta còn rất nhiều điều chưa sáng tỏ về căn bệnh này. Hiện tại, có một số phòng khám báo cáo về việc có nhiều bệnh nhân phàn nàn về các triệu chứng mới sau khi được xác nhận khỏi bệnh.”

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã bắt tay vào việc tiến hành một cuộc điều tra thực tế để nắm rõ tình hình. Dưới đây là một thống kê của bác sĩ Koichi Hirahata về những di chứng sau khi điều trị Covid 19 mà ông thu được trên những bệnh nhân tại phòng khám của ông.

▽ Khó chịu 94% ▽ Trầm cảm 87% ▽ Suy giảm khả năng tư duy 83% ▽ Đau đầu 81% ▽ Ngạt thở 77% ▽ Đau nhức cơ 76% ▽ Mất ngủ 73% ▽Rối loạn khứu giác 51% ▽ Rụng tóc, lông 50% ▽ Rối loạn vị giác 44%

Một số triệu chứng như “chán nản”, “giảm khả năng tư duy” và “rụng tóc” ngoài tác động trực tiếp từ virus, stress có thể đóng vai trò rất lớn đến sự phát sinh hoặc chí ít là làm trầm trọng và kéo dài thêm. Vì vậy, ông luôn động viên bện nhân phải duy trì một nhịp sống điều độ và một chế độ ăn đầy đủ khoa học trước khi nói về những can thiệp y tế khác. Đối với những bệnh nhân gặp phải tình trạng giống như người phụ nữ này, Bác sĩ Hirahata khuyên: ” Đừng lo lắng một mình. Trước hết hãy tham khảo ý kiến của một bác sĩ đáng tin cậy.”

Theo NHK, Kodaira

Trả lời